TP.HCM: Tranh luận việc bỏ sổ hộ khẩu từ sau năm 2022
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ sau 31-12-2022; nhiều ý kiến khác lại không đồng tình.
Sáng 9-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật cư trú (sửa đổi), sẽ được QH thông qua vào kỳ họp thứ 10.
Quy định đáng chú ý nhất của dự án luật này là thay đổi phương thức quản lý cư trú mới, chuyển từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa.
Mới đây, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo này, Ủy ban Thường vụ QH đã thiết kế hai phương án liên quan đến khoản 3 điều 39 về Điều khoản thi hành để xin ý kiến đoàn ĐBQH.
Theo đó, trong phương án 1 sẽ quy định chuyển tiếp, cụ thể kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31-12-2022….
Còn phương án 2 lại cho rằng không cần quy định chuyển tiếp. Cụ thể, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Trước vấn đề này, đại biểu tham dự hội thảo đã có nhiều quan điểm khác nhau.
Huy động 3.000 công an tham gia làm dữ liệu dân cư
Thượng tá Lê Duy Bình, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP.HCM) cho biết, đơn vị này thống nhất thực hiện theo phương án 2 và theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an.
Theo Thượng tá Bình, Công an TP sẽ huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát khu vực với hơn 3.000 người tham gia vào việc thu thập dữ liệu dân cư tiến tới việc bỏ sổ hộ khẩu theo dự án Luật cư trú mới.
Công an sẽ đến tận tổ dân phố, nhà dân để tuyên truyền cho người dân chia sẻ, đồng hành cùng lực lượng công an nhằm thu thập dữ liệu qua nhiều kênh, trong đó có kênh cấp căn cước công dân, đăng kí thường trú, tạm trú. Từ đó, sớm tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trung tá Trần Hoài Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Bình Thạnh cũng cho rằng đơn vị này vẫn trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an.
Tuy nhiên, xét về góc độ thực tiễn, ông cho rằng, việc bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là thực hiện trên cả nước. TP.HCM có điều kiện, cơ sở hạ tầng, nhân lực để xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng các tỉnh thành khác thì như thế nào. Nếu các tỉnh, thành khác chậm thực hiện thì sẽ phát sinh ra chuyện cấp giấy xác nhận, làm ảnh hưởng đến giao dịch của người dân.
“Chẳng hạn nếu các tỉnh kéo đường truyền về không kịp. Thì dù TP mình đã thực hiện được việc này thì cũng như không, vẫn không giải quyết được gì vì quản lý cư trú là quản lý toàn quốc” – Trung tá Hoài Anh nói. Do đó, ông đề nghị, tiếp tục duy trì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có giá trị như giấy xác nhận về cư trú cho đến 31-12-2022 theo phương án một.
Sổ hộ khẩu ảnh hưởng đến quy trình tố tụng
Ông Phùng Văn Hải, Chánh tòa Dân sự, TAND TP.HCM đánh giá, sổ hộ khẩu là chứng cứ trong quá trình tố tụng cả về dân sự, hình sự lẫn hành chính. Bởi việc xác định nơi cư trú là để xác định thẩm quyền của các tòa. Nếu không có sổ hộ khẩu thì cần phải có xác nhận của công an phường về cư trú để làm căn cứ xác định thẩm quyền giải quyết.
Ông Hải cho rằng những thông tin về cư trú ảnh hưởng đến hàng loạt quy định tố tụng. Chẳng hạn, với những bản án tử hình, chỉ cần sai địa chỉ cư trú thì không thể thi hành bản án.
Vậy nên, theo ông cần có quy định chuyển tiếp về điều khoản thi hành Luật cư trú (sửa đổi) vì việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến quy trình tố tụng của tòa án.
“Khi Luật có hiệu lực thì cổng thông tin của tòa án và Bộ Công an kết nối với nhau như thế nào, kết nối với công an phường/xã như thế nào để chúng tôi gõ vào là ra nơi cư trú của công dân đang nộp đơn khởi kiện hoặc của người bị kiện. Vì chúng tôi không có chứng cứ thì khó xác định chính xác thầm quyền của các cơ quan tố tụng, tòa án cấp nào” – ông Hải nêu vấn đề.
Ông cũng cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu giấy liên quan hàng loạt giao dịch dân sự. Ví dụ như khi công dân ra công chứng chuyển dịch tài sản thì bắt buộc phải có sổ hộ khẩu. Nếu đưa mã số định danh thì công chứng viên có kết nối được thông tin?
“Chúng ta phải tính toán trường hợp này. Làm sao ban hành Luật cư trú (sửa đổi) phải phù hợp các luật hiện hành, phù hợp cho cán bộ công chức, người xét xử, người thực thi nhiệm vụ giải quyết giao dịch cho dân có cơ sở pháp lý để từ chối hoặc thực hiện” – ông Phùng Văn Hải đề xuất.
Luật sư Trương Thị Hòa cũng cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu giấy liên quan đến rất nhiều luật khác. Chỉ tính riêng các Luật tố tụng về hành chính, hình sự, dân sự đã xảy ra rất nhiều vấn đề. Luật sư Hòa chọn phương án một, nhưng bà cho rằng việc để sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31-12-2022… e là vẫn chưa đủ, nếu có thể thì nên kéo dài hơn.
Còn ông Vũ Ngọc Nam, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cũng cho rằng phương án một có tính khả thi cao hơn vì nó đề ra cụ thể thời hạn để người dân cập nhật các quy định về cư trú. Đồng thời, không làm ảnh hưởng lớn đến giao dịch dân sự quan trọng mà người dân đã thiết lập trước đó bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũ. Các cơ quan quản lý cư trú cũng có thời gian xây dựng lộ trình quản lý trong cả nước chỉn chu, chuyên nghiệp hơn.
Đăng kí tạm trú cũng nên có thời hạn
Trung tá Trần Hoài Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Bình Thạnh cho biết, dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) không quy định việc sổ tạm trú phải có thời hạn, khác so với luật hiện hành là sổ tạm trú có thời hạn không quá 24 tháng.
Tuy nhiên Trung tá Hoài Anh đề nghị sổ tạm trú vẫn cần phải có thời hạn để công tác quản lý cư trú được chặt chẽ.
Trung tá Hoài Anh nêu thực tế, hiện nay quy định sổ tạm trú có thời hạn 24 tháng cũng đã khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn. Bởi khi thuê nhà, “người dân được cấp sổ tạm trú có thời hạn 24 tháng nhưng có trường hợp cứ ở 10 - 12 tháng, người dân lại bỏ đi”. Trong khi đó, thủ tục xóa tạm trú phải theo đúng quy trình chứ không phải muốn xóa là xóa ngay. Dẫn đến số liệu ảo, có sổ đăng ký tạm trú nhưng người thì không có.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tphcm-tranh-luan-viec-bo-so-ho-khau-tu-sau-nam-2022-937339.html