Tp.HCM triển khai nhiều giải pháp ổn định giá cả, kích cầu tiêu dùng

Trong bối cảnh giá hàng hóa tăng, sức mua thấp, các doanh nghiệp và sở, ngành Tp.HCM đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm kìm giá, kích cầu mua sắm.

Sức mua yếu, giá hàng hóa vẫn tăng

Ghi nhận tại Tp.HCM, thời gian gần đây, sức mua tại nhiều cửa hàng, chợ lẻ trên địa bàn giảm nhưng giá cả một số mặt hàng, dịch vụ… vẫn tăng khiến người tiêu dùng càng thắt chặt chi tiêu hơn trước.

Đi chợ sau khi tan ca, chị Nguyễn Thị Diễm - công nhân Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh than thở vì nhiều mặt hàng tăng giá so với hồi tháng 4.

“Tôi thấy tiền đi chợ mua đồ ăn cho gia đình tăng khoảng 20.000-30.000 đồng/ngày. Một số loại rau như cà chua, xà lách, khổ qua tăng khoảng 10.000 đồng/kg, thịt heo (lợn) tăng 10.000-15.000 đồng/kg (tùy loại). Với mức tăng này, tôi buộc phải cắt chi tiêu những khoản khác lại”, chị Diễm cho biết.

Bà Minh, kinh doanh thực phẩm khô gần chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, Tp.HCM) cũng cho hay, giá nhiều loại bột mì, bột gạo, dầu ăn đều tăng giá từ 3.500 - 5.000 đồng.

Mặt hàng sữa ngoại nhập cũng có giá cao. Theo các cửa hàng kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3), giá sữa được điều chỉnh tăng thêm từ 50.000 - 100.000 đồng/hộp sữa (tùy loại). Cụ thể, sữa Ensure của Úc loại 850g tăng thêm 50.000 đồng/hộp, sữa Ensure của Mỹ loại 397g tăng thêm 100.000 đồng, lên 950.000 đồng/hộp, các loại sữa khác tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/hộp. Đối với sữa nội, dù không tăng giá nhưng cũng không còn được khuyến mãi như trước.

Giá thịt heo, rau củ tăng đã kéo theo giá hàng quán lên theo. Chị Ngọc Lan (nhân viên văn phòng quận 3) thông tin với báo Tiền Phong, tiệm cơm bình dân trong hẻm gần cơ quan vừa thông báo giá mới 35.000 đồng/phần (tăng thêm 2.000 đồng) do nguyên liệu tăng; tiệm không tăng thì giảm bớt món ăn. “Đáng nói là nhiều quán bún bò, bánh mì dù thịt bò, trứng gà không tăng giá nhưng họ vin vào nguyên liệu bột mì nhập khẩu, nấu nướng bằng điện giá cao… để tăng giá” - chị Lan nói.

Ghi nhận của báo Lao Động tại các khu chợ như chợ Nhật Tảo (quận 10), chợ Bàn Cờ (quận 3)… các loại thực phẩm thiết yếu cũng đang rục rịch tăng giá nhẹ.

Các tiểu thương cho biết, nguyên nhân tăng giá do ảnh hưởng bởi thời tiết khiến nguồn cung nông sản bị ảnh hưởng, chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào tăng nên đẩy giá thành các loại thực phẩm.

Các doanh nghiệp bán lẻ tại Tp.HCM đang cố gắng duy trì mức giá ổn định. Ảnh: báo Lao Động

Các doanh nghiệp bán lẻ tại Tp.HCM đang cố gắng duy trì mức giá ổn định. Ảnh: báo Lao Động

Phía các doanh nghiệp cũng đang cố gắng cải tiến trang thiết bị, giảm tiêu hao năng lượng, chi phí vận hành để duy trì giá bán bình ổn cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa Miliket cho biết, từ đầu năm đến nay giá các nguyên liệu đầu vào tùy loại tăng 5-10%, có một số nguyên liệu tăng 20% (tùy ngành hàng). Các nhà cung cấp bột mì cũng rục rịch thông báo sẽ tăng giá.

“Tăng giá là xu hướng không tránh khỏi, nhưng quan trọng là mức độ chấp nhận của thị trường. Hiện nay sức mua thị trường vẫn là vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp nên phải tính toán rất kỹ trước khi ra quyết định điều chỉnh giá. Thời gian tới, dự kiến giá bán sản phẩm tăng từ 3 - 5%. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ có chương trình hỗ trợ cho đại lý, cửa hàng để thúc đẩy sức mua”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Triển khai các chương trình khuyến mại giảm giá, bình ổn thị trường

Trong bối cảnh trên, Sở Công Thương Tp.HCM đã đưa ra các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong thời gian tới.

“Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung với giá cả ổn định, chúng tôi có giải pháp kêu gọi thêm các doanh nghiệp hỗ trợ, trong đó có doanh nghiệp về logistics lớn đã đề xuất những chính sách giá ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho biết.

Ngoài ra, UBND Tp.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung - mùa mua sắm “Shopping Season” trên địa bàn thành phố năm 2024.

Theo Sài Gòn Giải Phóng, chương trình khuyến mãi tập trung sẽ chia làm 2 đợt: đợt 1 diễn ra từ ngày 15/6 đến 15/9; đợt 2 diễn ra từ ngày 15/11 đến 31/12. Chương trình này cho phép thương nhân tham gia được áp dụng khuyến mãi lên đến 100%. Theo ngành công thương Tp.HCM, mùa mua sắm khi được tổ chức sẽ tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố. Chương trình cũng tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, như phối hợp với doanh nghiệp (hệ thống phân phối) tổ chức các sự kiện khai mạc tại địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tphcm-trien-khai-nhieu-giai-phap-on-dinh-gia-ca-kich-cau-tieu-dung-a664905.html