Tăng cường đối thoại, thương lượng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đặt ra chỉ tiêu có ít nhất 85% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) theo quy định của pháp luật, trong đó có ít nhất 55% TƯLĐTT được phân loại chất lượng đạt loại B trở lên.

Để thực hiện chỉ tiêu trên, Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành Chương trình số 10/Ctr-LĐLĐ về “Nâng cao chất lượng công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ); đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT giai đoạn 2023 - 2028”, trong đó đề ra các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT giai đoạn 2023 - 2028.

Thông qua đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT, chất lượng bữa ăn ca của NLĐ ngày càng được nâng lên.

Thông qua đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT, chất lượng bữa ăn ca của NLĐ ngày càng được nâng lên.

Cụ thể, về đối thoại, các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với người đứng đầu chính quyền cùng cấp chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ và đối thoại tại nơi làm việc; định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động nhằm lắng nghe, kịp thời giải quyết những bức xúc, vướng mắc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, hạn chế đến mức thấp nhất tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thế xảy ra.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bên tham gia đối thoại và tổ chức tập huấn năng lực, kỹ năng đối thoại cho cán bộ Công đoàn. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp định kỳ và đột xuất; nội dung đưa ra đối thoại phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của NLĐ; sau đối thoại phải phổ biến ngay kết quả đến NLĐ.

Tăng cường giám quá trình thực hiện của các cấp, các ngành sau đối thoại, đảm bảo những đề xuất, kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Về thương lượng, ký kết TƯLĐTT, các cấp Công đoàn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ Công đoàn về tầm quan trọng của TƯLĐTT trong hoạt động chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ của tổ chức Công đoàn.

Cán bộ Công đoàn phải chủ động trong việc thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, NLĐ để việc lấy ý kiến của đoàn viên, NLĐ được thực chất và khách quan. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác chuẩn bị thương lượng, dự báo được các tình huống sẽ xảy ra; vạch ra kế hoạch trước khi bước vào thương lượng.

Tăng cường tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở. Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT phải đúng quy trình và tập trung nâng cao chất lượng, chú trọng thương lượng về tiền lương, thưởng, chất lượng bữa ăn ca, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động…

Thực hiện đúng và kịp thời việc thông tin cho NLĐ nắm được nội dung TƯLĐTT đã ký kết; đảm bảo nội dung các điều khoản trong TƯLĐTT được thực hiện có hiệu quả.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-doi-thoai-thuong-luong-de-dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-172283.html