TP.HCM truy vết gần 40.000 người liên quan ổ dịch Hội thánh
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết liên quan đến ổ dịch ở Hội thánh truyền giáo Phục hưng, TP.HCM đã truy vết 958 người F1 và 37.921 người F2.
Sáng 29-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu của UBND 63 tỉnh, thành và tại những huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Xem xét chuỗi lây ở BV Hoàn Mỹ có liên quan ổ dịch Hội thánh?
Phát biểu tại điểm cầu TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết với đợt dịch lần thứ tư, TP đã trải qua bốn chuỗi lây nhiễm, đã ghi nhận 76 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Riêng đối với chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục hưng (quận Gò Vấp), ông Phong cho biết tính đến 15 giờ chiều 28-5 đã phát hiện 64 trường hợp dương tính. Từ ổ dịch này, 16 quận huyện có liên quan đến ca bệnh, gồm: TP Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, 3, 4, 5, 10 và 12.
Đặc biệt, qua truy vết, vợ mục sư Hội thánh truyền giáo Phục hưng (65 tuổi) là BN6293 từng đi Hà Nội từ ngày 23 và về TP.HCM ngày 29-4, trước khi phát hiện dương tính với COVID-19 ngày 27-5.
Ngày 13-5, bà có triệu chứng đầu tiên trong nhóm và đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Đến nay, qua điều tra dịch tễ từ ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng, tổng số F1 là 958 người, trong đó 671 mẫu âm tính, 287 đang chờ kết quả. Tổng số F2 là 37.921 người, 11.483 mẫu âm tính và 26.438 mẫu đang chờ kết quả.
Về kết quả giải trình tự gen virus SARS-CoV-2 của năm người bệnh đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hưng, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đều thuộc biến chủng Ấn Độ.
“Như vậy, TP.HCM đã ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh là biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh ở các ca bệnh cộng đồng” – ông Phong nói.
Đối với chuỗi lây nhiễm phát hiện từ Bệnh viện Hoàn Mỹ, ông Phong cho biết ngày 27-5, phát hiện hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại bệnh viện này. Một ngày sau tiếp tục ghi nhận thêm hai trường hợp dương tính. Tổng số tiếp xúc gần F1 là 14 người. Tổng số tiếp xúc khác là 100 người.
“Đã tổ chức cách ly, đều đã được lấy mẫu và chờ kết quả xét nghiệm. Hiện nay đang mở rộng truy vết, xem có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng hay không do xảy ra cùng thời điểm” – ông Phong nói.
Chuẩn bị diễn tập chống dịch ở Khu công nghiệp
Về các hoạt động đã triển khai, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết TP đã khẩn trương, thần tốc điều tra, truy vết đối với các chuỗi lây nhiễm, khoanh vùng phong tỏa phù hợp để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Mở rộng xét nghiệm tìm kiếm nguồn lây nhiễm xung quanh khu vực phong tỏa, xét nghiệm cho thành viên tổ bầu cử, người dân tại các điểm bầu cử liên quan đến ca nhiễm.
TP.HCM cũng đã tạm dừng nhiều hoạt động không thiết yếu; tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 10 người trở lên tại nơi tín ngưỡng, thờ tự.
Vận hành Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch TP.HCM, hoạt động 24/24 giờ, tiếp nhận ý kiến người dân về phòng, chống dịch qua đầu số 1022. Vận hành 69 chốt, trạm kiểm dịch y tế tại các cửa ngõ ra vào TP.HCM từ 0 giờ ngày 15-5-2021.
Thành lập ba đoàn kiểm tra cấp TP.HCM do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP và Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn và các đoàn kiểm tra cấp, quận, huyện, phường xã, thị trấn, đồng loạt kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, kinh doanh thức ăn đường phố không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến.
Yêu cầu tất cả các bệnh viện cảnh giác cao nhất đối với dịch bệnh; siết chặt toàn bộ quy trình sàng lọc, phân loại, phân luồng triệt để người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh; triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh.
Mỗi cơ quan công sở thành lập Tổ an toàn COVID, khách đến làm việc, công tác phải khai báo y tế và kiểm soát y tế. Vận động 100% cán bộ, công chức, viên chức cài đặt phần mềm Bluezone.
Yêu cầu người dân tự giác chấp hành các biện pháp 5K của Bộ Y tế; không tụ tập trên 10 người ở bên ngoài các công sở, trường học và bệnh viện.
Đối với các hoạt động phòng chống dịch tại khu chế xuất khu công nghiệp, khu công nghệ cao, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đã triển khai thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang bắt buộc tại cơ sở kinh doanh, sản xuất.
Người lao động khai báo y tế hằng ngày tại cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; phân loại cụ thể các cơ quan, đơn vị có hoạt động sản xuất trong môi trường khép kín, sử dụng máy lạnh để giám sát nguy cơ.
Cùng với đó, ký cam kết phòng chống dịch giữa doanh nghiệp với Ban Quản lý khu chế xuất khu công nghiệp, Khu công nghệ cao và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, còn xây dựng phương án phối hợp xử lý tình huống khi phát hiện người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 và các chế độ chính sách đối với người lao động trong tình hình dịch bệnh.
“TP.HCM chuẩn bị tổ chức diễn tập phương án ứng phó phòng, chống dịch khu công nghiệp, dự kiến tổ chức ở Khu Chế xuất Linh Trung 1 để đảm bảo tính khả thi, phù hợp điều kiện thực tế của phương án chống dịch” – ông Phong nói.