TP.HCM vẫn khan hiếm nguồn cung căn hộ mới
Các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất có xu hướng ưu tiên phát triển các phân khúc trung và cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận, thay vì tập trung vào phân khúc vừa túi tiền với biên lợi nhuận thấp hơn.
Báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường bất động sản TP.HCM trong quý I cho thấy sự sụt giảm đáng kể về nguồn cung mới, với khoảng 800 căn hộ được chào bán ra thị trường, giảm mạnh 70% so với quý trước, dù vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, hơn một nửa nguồn cung mới tập trung vào giai đoạn tiếp theo của các dự án quy mô lớn tại TP. Thủ Đức và quận Bình Tân. Dự án mới duy nhất được giới thiệu trong quý là The 9 Stellars – Alta Heights ở quận 9. Toàn bộ nguồn cung mới thuộc phân khúc hạng B và hạng C, cho thấy sự khan hiếm tiếp tục của phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Cụ thể, nguồn cung mới thuộc hạng C với mức giá dưới 50 triệu VNĐ/m2 thông thủy chỉ chiếm 13%, đến từ giai đoạn 2 của dự án Green Town ở Bình Tân.
Tình trạng hạn chế về nguồn cung mới và việc các dự án tạm ngưng bán vẫn chưa tái khởi động đã khiến nguồn cung sơ cấp toàn thị trường giảm 24% so với quý trước, đạt khoảng 5.000 căn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung sơ cấp vẫn có mức tăng nhẹ 2%.
Bên cạnh sự sụt giảm về nguồn cung, thị trường bất động sản TP.HCM trong quý đầu năm 2025 cũng chứng kiến sự chậm lại đáng kể trong hoạt động giao dịch. Lượng giao dịch toàn thị trường giảm mạnh 46% so với quý trước, chỉ đạt khoảng 1.400 căn.
Mặc dù vậy, so với cùng kỳ của hai năm gần nhất, tình hình giao dịch vẫn có những tín hiệu tích cực hơn, được thúc đẩy bởi các chính sách thanh toán giãn và hỗ trợ vay từ chủ đầu tư. Nhu cầu nhà ở trên thị trường vẫn ở mức cao, tuy nhiên chưa được đáp ứng, thể hiện qua tỷ lệ hấp thụ hàng tồn kho ở mức thấp, chỉ 23%. Ngược lại, nguồn cung mới lại có tỷ lệ hấp thụ tốt hơn đáng kể, đạt 61%.
Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản TP.HCM trong quý tới dự kiến sẽ có những biến động khi các dự án tạm ngưng bán rục rịch quay trở lại thị trường và nguồn cung mới có thể được bổ sung. Tuy nhiên, bài toán về nguồn cung nhà ở vừa túi tiền vẫn là một thách thức lớn đối với thị trường trong bối cảnh hiện tại.

Vướng mắc pháp lý khiến nguồn cung căn hộ ở TP.HCM vẫn khan hiếm. Ảnh: Hoàng Anh
Theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M của Savills Việt Nam cho biết nguyên nhân chính gây tắc nghẽn nguồn cung căn hộ vừa túi tiền xuất phát từ hai yếu tố: thứ nhất, quỹ đất tại TP.HCM ngày càng khan hiếm; thứ hai, giá đất và các chi phí phát triển, xây dựng đều tăng cao. Do đó, các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất có xu hướng ưu tiên phát triển các phân khúc trung và cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận, thay vì tập trung vào phân khúc vừa túi tiền với biên lợi nhuận thấp hơn.
Bên cạnh đó, trong vài năm qua, các thủ tục pháp lý dự án bị tắc nghẽn, nên nguồn cung nhà ở chưa hồi phục. Tuy vậy, theo đánh giá của Savills, triển vọng các khung luật mới, và chính sách mới, dự kiến sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai dự án trở lại, từ đó khơi thông nguồn cung nhà ở trong trung và dài hạn.
Nhìn về triển vọng trong chín tháng còn lại của năm 2025, nguồn cung căn hộ dự kiến vẫn sẽ ở mức hạn chế, ước tính khoảng 7.000 căn. Đáng chú ý, 90% nguồn cung này sẽ đến từ các giai đoạn tiếp theo của bảy dự án hiện hữu. Chỉ có bốn dự án mới dự kiến mở bán, chiếm tỷ trọng khiêm tốn 10%.
Tuy nhiên, bức tranh nguồn cung được kỳ vọng sẽ tươi sáng hơn vào năm 2027, với gần 40.000 căn hộ dự kiến sẽ được tung ra thị trường. Trong đó, TP. Thủ Đức được dự báo sẽ dẫn đầu về nguồn cung, chiếm 55%, theo sau là quận 7 và Bình Tân với cùng tỷ lệ 9%.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tphcm-van-khan-hiem-nguon-cung-can-ho-moi-d39921.html