TP.HCM: Vi phạm trật tự xây dựng giảm mạnh trong năm 2020

Tổng số công trình vi phạm tại TP.HCM trong năm 2020 là 781 công trình, bình quân 2,2 vụ/ngày, giảm 6,3 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 74%, so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU.

Ông Lý Thanh Long, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2020, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố đã được kéo giảm đáng kể.

Cụ thể, tổng số công trình vi phạm trong năm 2020 là 781 công trình, bình quân 2,2 vụ/ngày, giảm 6,3 vụ/ngày. Đặc biệt, sau hơn một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, tình hình vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục được kéo giảm.

ông Lý Thanh Long, Chánh thanh tra Sở xây dựng TP.HCM báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Khang Minh)

Chánh thanh tra sở Xây dựng cho biết, tổng số công trình vi phạm sau khi ban hành Chỉ thị số 23 là 1.462 công trình, bình quân 3,2 vụ/ngày, giảm 5,3 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 63,5%, so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23 là 8,5 vụ/ngày.

“Việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23 - CT/TU trong thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch”, ông Long nói.

Chia sẻ thông tin về lĩnh vực hạ tầng thoát nước, đại diện Sở Xây dựng cho biết, Sở đã hoàn thành 100% khối lượng duy tu, nạo vét theo kế hoạch đề ra. Dự kiến giải ngân đạt 92,38 % dự toán ngân sách được giao.

Đồng thời, tổ chức vận hành 345 van ngăn triều, 34 trạm bơm với 39 máy bơm cố định và di động cùng với việc vận hành đồng bộ 05 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vận hành trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập).

Về công tác chỉnh trang đô thị, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện di dời, phá dỡ để đầu tư xây dựng mới thay thế 15 chung cư cấp D trên địa bàn thành phố. Trong đó, di dời được 539/1.023 hộ dân tại 15 chung cư cấp D; tháo dỡ toàn bộ 04 chung cư, với quy mô 14.470,4 m2 sàn; đã có chủ đầu tư cho 11 chung cư; 04 chung cư chưa có chủ đầu tư.

Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính mà cụ thể là việc xây dựng và đưa vào sử dụng app SXD 247 đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và người dân tra cứu tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, khảo sát ý kiến khách hàng, tra cứu thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục và hồ sơ hành chính.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, kiêm Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị, trong năm 2021 công tác trật tự xây dựng cần được chú trọng hơn nữa, các vụ vi phạm phải được phát hiện ngay từ đầu không để chậm trễ trong phát hiện khiến cho công tác xử lý phức tạp hơn.

Chánh thanh tra Sở phải tập trung công việc để xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay từ đầu, không để sai phạm xảy ra rồi mới phát hiện xử lý. Đội ngũ thanh tra xây dựng phải sâu sát thực tiễn để xử lý công việc hợp lý, đúng pháp luật.

Ông Bình cũng đề nghị các sở ngành, quận huyện cần phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết, xử lý các công việc liên quan không chỉ trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Các sở ngành có ký kết quy chế phối hợp nhưng trong thực tế triển khai chưa đạt yêu cầu. Do đó công tác phối hợp sẽ được chấn chỉnh. Để kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng ngoài công tác con người thì việc ứng dụng công nghệ, công khai thủ tục hành chính để người dân giám sát cũng là yếu tố rất quan trọng. Do đó thời gian tới sẽ đẩy mạnh giải pháp này.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-vi-pham-trat-tu-xay-dung-giam-manh-trong-nam-2020-d136582.html