TP.HCM: Xây dựng hệ thống y tế trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa xây dựng Đề án xây dựng hệ thống y tế TP.HCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Đề án nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để phục vụ người dân tiếp cận và sử dụng, bên cạnh đó, trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN sẽ giúp Thành phố phát triển về du lịch y tế, thu hút các bệnh nhân nước ngoài đến khám và điều trị để mang về nguồn thu ngoại tệ cho ngành Y tế và Du lịch, đóng góp vào ngân sách Thành phố.
Ngoài ra, phát triển hệ thống y tế Thành phố trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN sẽ nâng cao vị thế của ngành Y tế Việt Nam trên trường quốc tế thông qua việc khẳng định năng lực y tế trong khu vực và tạo thương hiệu về chất lượng dịch vụ y tế, góp phần vào việc nâng cao nhận thức và kiến thức về sức khỏe trong cộng đồng, qua đó giảm thiểu các vấn đề sức khỏe và tăng cường phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, mục tiêu của Đề án giai đoạn từ nay đến năm 2030 là nâng tuổi thọ bình quân của người dân đạt 77 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm, tỉ lệ bác sĩ đạt 23/10.000 dân, tỉ lệ điều dưỡng đạt 40/10.000 dân, tỉ lệ giường bệnh đạt 42 giường/10.000 dân, tỉ lệ suất sinh đạt 1,6 và mỗi người dân được khám sức khỏe và tầm soát bệnh 1 lần một năm, mỗi người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Để đạt được những kết quả nêu trên, Đề án sẽ thực hiện các nội dung như: Quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của ngành Y tế đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung Thành phố, và hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Trong đó, xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Phấn đấu đạt được chuẩn đào tạo quốc tế, thông qua việc cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao năng lực giảng viên, hợp tác quốc tế, đánh giá và kiểm định chất lượng theo các tiêu chí quốc tế.
Đề án cũng chú trọng phát triển các chuyên ngành đào tạo phù hợp với phát triển y tế chuyên sâu của Thành phố. Xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa từ bệnh viện tuyến cuối đến y tế cơ sở theo quy mô vùng. Phát triển thêm các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Phát triển du lịch y tế gắn liền với phát triển y học chuyên sâu và y học cổ truyền. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong những yêu cầu ưu tiên đối với ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay…