TP HCM xây dựng nông nghiệp đô thị

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha tăng gấp 3 lần là một trong những kết quả ấn tượng sau 10 năm TP HCM thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Ngày 28-11, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị "Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025". Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, sau 10 năm thực hiện chương trình, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị dần thu hẹp qua các năm. Cụ thể, năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn TP là 15,72 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019 đã là 63,096 triệu đồng/người/năm. Đến nay, 56 xã xây dựng NTM đã hoàn thành và được phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng NTM. TP đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại khu vực nông thôn, duy tu, nâng cấp, làm mới 741 công trình giao thông, với chiều dài 1.233,6 km, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỉ đồng. Qua đó, dễ dàng nhận thấy phong trào "TP chung sức xây dựng NTM" đã góp phần phát huy nguồn lực trong toàn cộng đồng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2 từ trái sang) và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (thứ 3 từ trái sang) cùng đại biểu tham quan thành tựu xây dựng nông thôn mới Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ 2 từ trái sang) và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (thứ 3 từ trái sang) cùng đại biểu tham quan thành tựu xây dựng nông thôn mới Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Phước Trung dẫn chứng dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900 ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm nhưng nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp TP. Điển hình, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010 tăng lên 502 triệu đồng/ha năm 2018.

Đặc biệt, ngành nghề nông thôn truyền thống của TP đã từng bước khôi phục và phát triển, không những tiêu thụ nội địa, mà còn đẩy mạnh xuất khẩu (bánh tráng của làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông - Củ Chi xuất khẩu ổn định sang châu Âu, Mỹ, Nhật...; sản phẩm đan đát của làng nghề đan đát Thái Mỹ - Củ Chi xuất khẩu sang Đài Loan…). Để bảo đảm phát triển bền vững, bên cạnh chương trình hỗ trợ lãi vay, TP hỗ trợ xây dựng thương hiệu - logo, trang tin điện tử, chứng nhận quản lý chất lượng…

Khắp nơi được "đánh thức"

Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè, ông Nguyễn Văn Lưu, cho biết ấn tượng nhất khi thực hiện chương trình xây dựng NTM là 100% hộ dân trên địa bàn huyện đều có nước sạch để sử dụng, hơn 1.000 tuyến đường, tuyến hẻm bê-tông hóa. Đã thành lập thêm 10 hợp tác xã, tổ hợp sản xuất; phát triển khoảng 3.500 doanh nghiệp, thu nhập người dân tăng lên… "Nông thôn mới như đũa thần đánh thức các địa phương" - ông Lưu nhận định.

Còn ông Trương Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh), nói khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Bình Lợi được lợi rất nhiều. "Đầu tiên là giao thông nông thôn phát triển. Tiếp đến, chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng mía năng suất thấp sang trồng mai, nuôi cá cảnh năng suất cao, đời sống của người dân được nâng lên. Đặc biệt là niềm tin của người dân vào chính quyền, họ tin tưởng vào chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng và nhà nước. Nhờ đó họ đã thoát nghèo" - ông Ngọc chia sẻ.

Tự hào khi chương trình xây dựng NTM đã giúp gia đình đổi đời, nông dân Nguyễn Văn Đổi (ngụ ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) chia sẻ đặc thù ở khu vực là quanh năm ngập nước, chỉ biết làm muối nhưng trên nền đất năng suất rất thấp. Nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM, ông Đổi được vay vốn mua bạt để muối kết tinh trên bạt và kết quả đạt năng suất rất cao. Cũng nhờ nguồn vốn vay, gia đình ông Đổi đầu tư nuôi thêm tôm. "Giờ mỗi năm tôi thu được khoảng 300 triệu đồng tiền muối, 350 triệu đồng tiền tôm. Cuộc sống theo đó sung túc hơn rất nhiều" - ông Đổi nói.

Tiếp tục nâng chất

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những kết quả đạt được của các đơn vị khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, vẫn còn một số kết quả chưa thể hài lòng. Chẳng hạn như toàn TP chỉ có 1.370 hộ tham gia HTX, mới chiếm 7,7% số hộ sản xuất nông nghiệp. Thu nhập người dân nông thôn mới chỉ bằng 1/3 so với thành thị...

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề làm sao để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người nông dân? Trả lời câu hỏi này, theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, các địa phương cần triển khai tốt hơn nữa chương trình NTM, tập trung vào các tiêu chí về giao thông, giáo dục, trường lớp, cơ sở vật chất, tỉ lệ học sinh, môi trường và an toàn thực phẩm. Phấn đấu ngay trong năm 2020, toàn TP phải có 56/56 xã hoàn thành đạt chuẩn NTM nâng cao. Điều quan trọng là phải giải quyết căn cơ bài toán tăng thu nhập, làm cho đời sống nông dân tốt hơn theo hướng phát triển làm ăn theo HTX nhằm chủ động về cây con giống, đầu ra sản phẩm, gắn ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất lao động.

"Chỉ khi nào chúng ta tăng được năng suất lao động, làm cho người dân giàu lên từ sản xuất nông nghiệp thì mới có thể phát triển bền vững. Trên thực tế, cả nước sẽ còn thực hiện chương trình xây dựng NTM trong thời gian dài, riêng TP HCM chúng ta phải đi từ NTM lên đô thị nông nghiệp cao" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Trong việc thực hiện, tham gia xây dựng nông thôn mới ở TP HCM, 1 tập thể xuất sắc được Chính phủ tặng cờ thi đua; 3 tập thể, 1 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 86 cá nhân, tập thể được UBND TP HCM tặng bằng khen.

Đã huy động 73.000 tỉ đồng

Trong 10 năm qua, phần vốn huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở TP HCM đạt tới 73.000 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách chiếm 19%, vốn xã hội là 81%.

Đặc biệt, nông dân TP có đóng góp rất lớn, nhất là trong hiến đất làm đường, đây là điều rất quý giá. Kế đến, phương thức sản xuất đã có sự thay đổi đáng kể, từ 31 HTX nay đã lên 76 HTX, tăng gấp 2,5 lần...

TRƯỜNG HOÀNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-xay-dung-nong-nghiep-do-thi-20191128211142549.htm