TP HCM xem lại mô hình quản lý cấp nước
UBND TP HCM yêu cầu các sở, ngành rà soát quy hoạch tổng thể cấp nước, từ đó đề xuất các nội dung điều chỉnh quy hoạch đến năm 2035
Sáng 27-9, UBND TP HCM đã tổ chức hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân - Khuyến nghị cho TP HCM trong giai đoạn 2019-2035".
Nguồn nước thô đang ô nhiễm nặng
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số rất cao. Trong gần 10 năm trở lại đây, cứ sau 5 năm, TP tăng thêm 1 triệu dân. Việc bảo đảm nguồn cung cấp nước phục vụ đời sống người dân luôn là một thách thức rất lớn. Về cơ bản, TP những năm qua đã đạt được kết quả khả quan. TP đã hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch nhưng việc sử dụng như thế nào luôn là bài toán khó.
Phó Chủ tịch UBND TP thừa nhận hệ thống cấp nước của TP vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị phát triển hiện tại cũng như nhu cầu phát triển trong tương lai. Hiện nay, TP sử dụng nguồn nước thô từ hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai nhưng TP lại nằm cuối lưu vực nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. TP không thể kiểm soát được tình trạng ô nhiễm này. Hơn nữa, việc chưa ứng phó tốt với biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước, trở thành thách thức và nguy cơ đối với việc cung cấp nước. Theo ông Võ Văn Hoan, dù được đầu tư nhưng hệ thống cấp nước của TP vẫn còn nhiều hạng mục cũ kỹ, có hệ thống đã hơn 50 năm. Chất lượng nước tại nhà máy sau khi xử lý đạt quy chuẩn nước dùng cho ăn uống trực tiếp. Tuy nhiên, khi đến người sử dụng qua hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, một số chỉ tiêu chất lượng nước chưa bảo đảm.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước sông Đồng Nai từ Hóa An và Cát Lái đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Nước của sông Sài Gòn cũng đang bị ô nhiễm vi sinh cao. Trong khi đó, Sở Xây dựng cũng cho biết dù cơ quan quản lý đã tăng cường nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn biến động và có xu hướng xấu hơn. Các chỉ tiêu như amoni, hữu cơ, vi sinh, mangan... trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng.
Chia sẻ rủi ro cùng nhà đầu tư
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Úc, Philippines, Hungary, Hà Lan, Singapore... đã chia sẻ kinh nghiệm về mô hình quản lý ngành nước. Ông Paul Smith, Giám đốc hợp tác quốc tế Hiệp hội nước Úc, cho biết để ứng phó với những thách thức về chất lượng nước, nước Úc đã ban hành quy chuẩn chất lượng nước uống để cung cấp khung quản lý đối với nguồn cung nước. Theo ông Paul Smith, hơn 10 năm qua, ngành nước của Úc đã đầu tư hơn 500 triệu USD để nâng cao năng lực quản lý rủi ro chất lượng nước, bao gồm kế hoạch cấp nước an toàn. Cách làm thành công của nước Úc là thu hút vốn đầu tư từ khối tư nhân bên cạnh vốn nhà nước. "Lựa chọn hình thức PPP phù hợp là rất quan trọng. Hơn nữa, hợp tác PPP trong ngành nước phải có một môi trường xúc tác lành mạnh với các cơ chế rõ ràng và mở cửa để khuyến khích đầu tư, tăng sự tự tin cho họ khi tham gia, tránh đùn đẩy mọi rủi ro cho nhà đầu tư" - ông Paul Smith gợi mở cho TP.
Trong khi đó, ông Vikas Maurya, Giám đốc Sản phẩm toàn cầu, hệ thống và sản phẩm SCADA, Tập đoàn ABB mang đến cho TP kinh nghiệm trong việc tối ưu hóa mạng lưới thông minh để bảo đảm nguồn cấp nước an toàn, tin cậy và hiệu quả. Ông Vikas Maurya cho biết giải pháp ABB Abiliti Symphony Plus (một hệ thống điều khiển được thiết kế đặc biệt cho ngành nước) tích hợp hệ thống quản lý và phát hiện rò rỉ một cách tinh vi. Từ giải pháp này, công ty nước có thể liên tục phát hiện, phân tích và quản lý các sự cố xảy ra trên mạng lưới, chuyển thông tin thành hành động tức thời nhằm giảm lượng thất thoát.
Đối với mục tiêu phát triển hệ thống cấp nước để người dân được uống nước tại vòi của TP, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề hợp tác giữa nhà nước và tư nhân cần được chia sẻ nhiều. Đại diện Nhà máy nước Tân Hiệp cho biết hiện giá nước bán lẻ ở TP thấp nên việc phát triển nguồn nước đã khó, chưa nói đến việc bảo đảm được uống nước tại vòi. Do đó, vấn đề mời gọi đầu tư và phương án hoàn vốn cần phải rõ ràng, minh bạch.
Trước các vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan yêu cầu các sở, ngành rà soát quy hoạch tổng thể cấp nước TP đã được Thủ tướng duyệt năm 2012. Từ đó đề xuất các nội dung điều chỉnh quy hoạch đến năm 2035, trong đó chú trọng các vấn đề mô hình quản lý cấp nước, an toàn cấp nước cả về nguồn nước thô và nước sạch... Ông cũng giao các sở, ngành liên quan xây dựng đề án và kế hoạch để bảo đảm an ninh nguồn nước; xây các bể chứa nước sạch lớn trên hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước để phục vụ điều tiết và dự phòng khi có sự cố; nâng cấp hệ thống cấp nước của TP để hướng tới việc cung cấp nước sạch uống được tại vòi.
Bên cạnh đó, ông Võ Văn Hoan cho biết cần đánh giá lại hiệu quả công tác cổ phần hóa doanh nghiệp cung cấp nước sạch để khắc phục những tồn tại. Đây là vấn đề căn bản, cơ chế quản lý không chặt chẽ, rõ ràng, chưa có pháp lý đầy đủ thì mâu thuẫn trong quản lý kìm hãm quá trình đầu tư phát triển. "Quan điểm, tư tưởng chưa thông thì làm gì có chuyện bỏ tiền ra đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cấp nước" - ông Võ Văn Hoan nói. Phó Chủ tịch UBND TP cho biết mục tiêu đến năm 2035 tổng công suất cấp nước của TP sẽ là khoảng 3,7 triệu m3 nước/ngày, tỉ lệ thất thoát nước sạch dưới 15%, tiêu chuẩn dùng nước là 180 lít/người/ngày.
Tính toán tăng giá nước
Bên lề hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan thông tin thời gian tới TP sẽ điều chỉnh giá nước sau khi Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) có tờ trình gửi Sở Xây dựng về kế hoạch, lộ trình tăng giá nước. Ông Võ Văn Hoan cho biết UBND TP đã và đang lấy ý kiến nhiều cơ quan để đi đến thống nhất điều chỉnh giá nước vì 10 năm qua, giá nước đã lạc hậu và chưa được điều chỉnh.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-xem-lai-mo-hinh-quan-ly-cap-nuoc-20190927221255954.htm