TP Hồ Chí Minh: 225.686 người vắng mặt không xác định được nơi ở hiện tại
Đây là thông tin được Công an TP Hồ Chí Minh thông tin đến báo đài tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Người dân làm gì để không bị xóa đăng ký thường trú?
Chiều 12/10, tại buổi họp báo định kỳ do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi, đại diện Công an TP đã thông tin về việc xóa đăng ký thường trú theo quy định của Luật Cư trú năm 2020.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, qua công tác quản lý cư trú, ghi nhận trên địa bàn TP có 225.686 nhân khẩu vắng mặt không xác định được nơi ở hiện tại. Các trường hợp sẽ bị xóa đăng ký thường trú, gồm: chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết; ra nước ngoài để định cư; đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại điều 35 của Luật Cư trú 2020.
Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản 1, Điều 24, Luật Cư trú 2020.
Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này.
Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.
Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, để không bị xóa đăng ký thường trú, người dân chấp hành đúng nghĩa vụ công dân về đăng ký cư trú. Trong đó cần lưu ý: Khi có thay đổi về nơi sinh sống, công dân phải đến Công an phường, xã, thị trấn tại nơi sinh sống mới để thực hiện đăng ký cư trú theo đúng quy định của pháp luật.
Công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên phải đến Công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú để thực hiện khai báo tạm vắng. Trừ trường hợp đã đến Công an phường, xã, thị trấn tại chỗ ở mới để đăng ký tạm trú.
Giấy phép lái xe bằng vật liệu giấy vẫn sử dụng
Tại buổi họp báo, một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm là việc đổi giấy phép lái xe (GPLX) gắn máy từ vật liệu giấy sang vật liệu PET. Theo đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT), đối với GPLX gắn máy vật liệu giấy được cấp trước ngày 1/7/2012, hiện nay Sở GTVT có 3 điểm tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX tại 252 Lý Chính Thắng (phường 9, quận 3); số 8 Nguyễn Ảnh Thủ (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) và số 111 Tân Sơn Nhì (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú).
Sở GTVT đề nghị người dân thực sự có nhu cầu đổi GPLX gắn máy từ vật liệu giấy sang vật liệu PET, đăng ký hồ sơ qua tổng đài 028.1081 để lấy số thứ tự về thời gian và địa điểm cấp GPLX thuận tiện cho mình, tránh mất thời gian và công sức, gây quá tải cục bộ tại các điểm tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX.
Đại diện Sở GTVT cũng khẳng định, GPLX gắn máy bằng vật liệu giấy vẫn tiếp tục sử dụng theo quy định hiện hành. Hiện nay, Bộ GTVT không bắt buộc người dân phải thực hiện đổi GPLX gắn máy từ vật liệu giấy sang vật liệu PET. Sau khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được ban hành và có quy định về việc phải đổi GPLX gắn máy vật liệu giấy, khi đó sẽ giao cơ quan có thẩm quyền ban hành theo lộ trình cụ thể để tổ chức thực hiện đảm bảo không gây khó khăn cho người dân cũng như cơ quan đổi GPLX.
“Đối với GPLX ô tô sắp hết hạn vật liệu PET, nhằm góp phần đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại của người dân, Sở GTVT khuyến khích người dân thực hiện nộp hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia khi GPLX ô tô sắp hết hạn, tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn hoặc https://dvc4.gplx.gov.vn”, đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết.