Tp. Hồ Chí Minh cấp hơn 12.000 giấy nhận diện cho xe chở hàng hóa thiết yếu lưu thông
Đến chiều 11/7, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đã cấp giấy nhận diện cho hơn 12.000 phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu đi vào 'luồng xanh' tại Tp. Hồ Chí Minh.
Hiện lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố cũng đã giảm nhiều.
Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, từ ngày 8/7 đến chiều ngày 11/7, sở đã cấp giấy nhận diện phương tiện (tạo luồng xanh) cho 12.207 xe của 22 đơn vị, nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe ra vào cảng trên địa thành phố.
Việc lưu thông hàng hóa của các phương tiện được đảm bảo thuận lợi, nhất là các xe được cấp giấy nhận diện phương tiện – tạo luồng xanh khi đi qua các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố.
Trong các đơn vị đã được cấp giấy nhận diện phương tiện, nhiều nhất là Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh với 5.669 xe; Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với 2.710 xe; cảng Bến Nghé có 769 xe; cảng Bông Sen có 590 xe…
Ở các tỉnh, Sở Giao thông Vận tải An Giang đã được cấp 152 xe, Tây Ninh đã được cấp 3 xe.
Tình hình giao thông trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng khá thông thoáng, lượng phương tiện giao thông hoạt động giảm nhiều so với trước đó.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, lượng phương tiện giao thông ngày 11/7 giảm 53% so với ngày 10/7; lưu lượng giảm 86% so với trước khi thành phố thực hiện Chỉ thị 10 của UBND Tp. Hồ Chí Minh.
Tại 12 chốt kiểm soát dịch ra vào Tp. Hồ Chí Minh, các đơn vị của thành phố đã tuyên truyền, tăng cường lực lượng kiểm dịch, phân luồng riêng cho các phương tiện ưu tiên theo luồng tuyến xanh lưu thông, chủ động điều tiết giao thông từ xa.
Do vậy, đến ngày thứ ba thực hiện Chỉ thị 16, tình hình giao thông cũng đã dần ổn định, lượng phương tiện giao thông đã giảm mạnh, số lượng phương tiện quay đầu do không đủ điều kiện giảm nhiều.
Theo Sở Giao thông Vận tải, các hoạt động vận tải trên địa bàn cơ bản được chấp hành; vận tải hàng hóa lưu thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thiết yếu và hoạt đông sản xuất. Hiện người dân đi lại bằng phương tiện giao thông cá nhân giữa các tỉnh và trên thành phố không còn nhiều.
Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạo các quận huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục tuyên truyền; trong đó, yêu cầu người dân chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết; tăng cường kiểm tra việc chấp hành đi lại, di chuyển của người dân tại các vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh. Đề xuất UBND thành phố có công văn gửi các tỉnh giáp ranh tăng cường phối hợp trong thời gian Tp. Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16./.