TP Hồ Chí Minh chủ động phòng ngừa bệnh dại
Từ đầu năm 2024 đến nay, dù TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận ca mắc bệnh dại, nhưng trong bối cảnh bệnh dại ngày càng gia tăng ở các địa phương, công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn được triển khai quyết liệt.
Mặc dù vậy, vấn đề nuôi chó, mèo thả rông tại đô thị lớn này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh dại trong cộng đồng.
Nhiều người dân đi tiêm phòng bệnh dại
Sau khi bị một con chó lạ cắn vào chân gây xước da, anh Trần Huỳnh (39 tuổi, ngụ Quận 5) lập tức đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để tiêm vaccine phòng bệnh dại. “Do không biết con chó của ai, đã được tiêm phòng chưa, nên tôi hơi lo và quyết định đi tiêm phòng dại. Tôi được các bác sĩ tư vấn tiêm 5 mũi vaccine để phòng nguy cơ mắc bệnh dại”, anh Huỳnh chia sẻ.
Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, từ tháng 2 đến nay, mỗi ngày đơn vị này tiêm cho hơn 240 lượt người. Chỉ hơn 2 tháng sau Tết Nguyên đán, đã có 5.300 lượt tiêm vaccine phòng dại được thực hiện tại đây, tăng hơn 1.000 lượt với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh viện này cũng đã tiếp nhận điều trị 7 ca mắc bệnh dại, tất cả đều ở các tỉnh, thành phố khác chuyển đến, chưa ghi nhận bệnh nhân mắc dại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cả 7 bệnh nhân được điều trị tại đây đều tiên lượng rất nặng, người nhà xin đưa về nhà và tử vong sau đó.
Tương tự, 2 tháng đầu năm 2024, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hơn 4.800 lượt tiêm vaccine phòng bệnh dại. Tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, đã có 19.552 lượt người trên địa bàn Thành phố đi tiêm vaccine phòng dại. Khảo sát tại các điểm tiêm phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh ghi nhận loài vật gây thương tích cho người chủ yếu là chó với 74,8%, tiếp đến là mèo 20,5%, dơi 0,2% và 4,6% là các loài vật khác; hơn 60% trường hợp là vết thương ở mức độ 3 (vết cắn sâu, xuyên qua da, gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở).
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù Thành phố chưa ghi nhận ca bệnh dại, nhưng một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã xuất hiện nhiều, nhất là ổ dịch bệnh dại tại tỉnh Bến Tre, nguy cơ bệnh dại xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn. Trước tình hình đó, công tác phòng, chống bệnh dại đã được Sở Y tế Thành phố yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng đến ngăn ngừa bệnh dại lây lan từ vật nuôi sang người.
Trong khi đó, bác sĩ Danh Thơm, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho rằng, nắng nóng gay gắt kéo dài là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh; cùng với thói quen của người dân là thả rông, không rọ mõm chó, mèo, khiến nguy cơ bệnh dại lây lan trong cộng đồng.
Hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh dại
Trạm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh) những ngày gần đây luôn có đông người dân đưa vật nuôi đến khám và tiêm phòng dại. Trung bình mỗi ngày, nơi đây thực hiện tiêm phòng dại cho 20-30 con chó/mèo. Theo một người dân, việc đưa vật nuôi đi tiêm phòng hằng năm là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại 106.000 hộ dân; trong đó số lượng chó, mèo được nuôi tại 5 quận, huyện ngoại thành chiếm gần 34% tổng đàn, khu vực nội thành khoảng 66%. Công tác tiêm phòng bệnh dại trên chó, mèo của Thành phố đạt khoảng 81%. Thực tế, hiện nay, nhiều người dân vẫn thả rông chó, mèo (nhất là ở khu vực vùng ven, ngoại thành) vừa gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, vừa tiềm ẩn nguy cơ tấn công người khác.
“Việc người dân nuôi chó, mèo không đăng ký, không khai báo và tiêm ngừa cho vật nuôi hoặc thả rông chó, mèo ra nơi công cộng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng”, ông Nguyễn Hữu Thiết nhận định. Do đó, bên cạnh việc kêu gọi người dân tự giác tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các quận, huyện triển khai các biện pháp quản lý vật nuôi trên địa bàn. Chi cục thường xuyên phối hợp với các đội bắt chó thả rông các quận, huyện để thực hiện chiến dịch bắt chó thả rông trên các tuyến đường.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất UBND Thành phố về quy định tạm thời quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn. Sở đề xuất quy định người dân muốn nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND cấp xã/phường; khuyến khích các hộ nuôi gắn chíp điện tử hoặc một phần mềm mạch vi xử lý trên vật nuôi, nhằm quản lý thông tin phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch, vận chuyển... Trong đó, việc kê khai được thực hiện định kỳ hai lần trong năm. Ngoài ra, người dân phải kê khai đột xuất trong thời hạn ba ngày kể từ khi nhập vật nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Bên cạnh kê khai, đăng ký vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất nhiều biện pháp quản lý nhằm tăng cường ý thức của cộng đồng về trách nhiệm nuôi dưỡng chó, mèo như: phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên; khi chó, mèo có biểu hiện bất thường, nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải cách ly, theo dõi và báo ngay cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định. Chủ nuôi phải tiêm phòng bắt buộc bệnh dại cho chó, mèo, chấp hành các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, người chủ phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn dẹp chất thải do chó, mèo thải ra nơi công cộng. Vật nuôi phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên đây là bệnh có thể phòng ngừa được. Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay sau khi bị cắn, đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Việc tiêm vaccine phòng dại thực hiện càng sớm càng tốt. Người dân cần tuân thủ liệu trình số mũi tiêm theo hướng dẫn của nhân viên y tế; tuyệt đối không sử dụng thuốc Đông y hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế.