TP. Hồ Chí Minh chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Hưởng ứng phong trào thi đua 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2025', nhiều chương trình hành động cụ thể, phát huy ý nghĩa Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình đã và đang được triển khai..
Kế hoạch số 5447/KH-UBND về tổ chức triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2025”. Kế hoạch này sẽ phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo nguồn lực to lớn, phấn đấu đến hết năm 2025 thực hiện chương trình xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn Thành phố. Thời gian tổ chức thực hiện từ ngày 16/9/2024 đến tháng 12/2025.
Để thực hiện kế hoạch, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng với các nội dung thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng thời, các tổ chức, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm và nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình sống trên kênh rạch, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và gia đình người có công. Qua đó, tạo sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân, hướng đến chào mừng các sự kiện trọng đại trong năm 2025.
Hưởng ứng Kế hoạch này, thời gian qua, ngành ngân hàng Thành phố đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình hành động thiết thực, quyết tâm nhằm mục tiêu huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Thành phố.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, kể từ khi phát động phong trào thi đua do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tổ chức vào ngày 18/10/2024 đã có 25 đơn vị, gồm: các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đóng góp số tiền 25.370 triệu đồng. Trong đó, đại diện cho hệ thống Ngân hàng thương mại Nhà nước bao gồm Vietcombank, Agribank, ViettinBank; các Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín, Phương Đông, Xuất nhập khẩu và Quốc tế tham gia và hỗ trợ chương trình 25 tỷ đồng. Các đơn vị còn lại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đóng góp 370 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng Thành phố đã hành động cụ thể và thiết thực đảm bảo kế hoạch và tiến độ thực hiện chương trình, theo đó toàn bộ số tiền 25.730 triệu đồng được sử dụng để xây dựng, sửa chữa cho 328 căn nhà trên địa bàn Thành phố. Trong đó, có 318 căn nhà tình thương và 10 căn nhà tình nghĩa, tập trung chủ yếu tại huyện Cần Giờ (239 căn, chiếm 77% số lượng căn nhà xây dựng sửa chữa đợt này của Thành phố). Hoạt động này được bắt đầu bằng lễ khởi công xây dựng, sữa chữa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Cần Giờ do Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 31/12/2024, và phấn đấu hoàn thành trong tháng 4/2025, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Được biết, trên bàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng 48.143 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch; trong đó, có 9 dự án đã và đang triển khai thực hiện di dời, giải tỏa để chỉnh trang đô thị (đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 1.149 căn, đang tiếp tục thực hiện 243 căn). Thành phố còn khoảng 46.452 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch chưa triển khai thực hiện, chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư do khó khăn về pháp lý.