TP Hồ Chí Minh có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sáng 6/11, Đoàn cán bộ khảo sát thực tế nhóm 2 - Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương (Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trưởng nhóm 2 làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh…

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới, trở thành động lực, đầu tàu kinh tế, hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành phố đã từng bước hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Thị trường hàng hóa, hoạt động bán buôn, bán lẻ có tỷ trọng nổi trội trong cơ cấu kinh tế của thành phố.

Thị trường lao động thành phố luôn có sức hút cao đối với các thành phần lao động. Tốc độ tăng bình quân lực lượng lao động giai đoạn 2017-2020 là 2,61%. Chất lượng lao động trên địa bàn thành phố ngày càng được cải thiện, với chỉ số về tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo tăng qua các năm, từ 78,05% trong năm 2017 tới 87,74% trong năm 2022.

Đại biểu trong đoàn công tác phát biểu trong buổi làm việc.

Đại biểu trong đoàn công tác phát biểu trong buổi làm việc.

Cơ cấu lao động thành phố từ năm 2017 đến nay dịch chuyển theo hướng giảm dần khu vực nhà nước; tăng dần khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Về phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế, thành phố duy trì tăng trưởng liên tục qua các năm, ngoại trừ vào năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19; tuy nhiên, so với giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng chậm dần. Tính theo GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015 là 7,2% và giai đoạn 2016-2020 là 6,4%...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã nhận thức, ý thức trách nhiệm và đi sâu vào tổng kết bằng báo cáo thực tiễn là chủ yếu. Chất liệu thực tiễn có được qua các kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố (từ Đại hội IV) và 4 lần Bộ Chính trị có các hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá ra Nghị quyết giao nhiệm vụ cụ thể cho thành phố trong từng giai đoạn cụ thể.

Đó là nguồn tư liệu từ các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương về khảo sát và đánh giá chuyên đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

“Đặc biệt, chất liệu thực tiễn có từ diễn biến, đánh giá kết quả quá trình triển khai nghị quyết, đưa các nghị quyết vào cuộc sống bằng phương thức, bằng mô hình, bằng vận dụng sáng tạo đáp ứng nhu cầu, thể hiện tinh thần năng động của thành phố… Từ tổng kết này, chúng tôi hy vọng ít nhiều bổ sung một phần quan trọng cho đoàn công tác”, đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá các ý kiến phát biểu về cơ bản đã góp phần làm rõ thêm nhận thức của thành phố về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, đã bổ sung nhấn mạnh thêm về một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm…

Các ý kiến đã phân tích rõ hơn về thực trạng thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là những thành tựu nổi bật, những hạn chế, nguyên nhân của thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm từ góc độ địa phương cấp tỉnh.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc.

Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá chung về đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, dự báo bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phố đã đề xuất các quan điểm mới và các định hướng giải pháp nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Các nội dung của những ý kiến phát biểu trong Phiên họp sẽ tiếp tục được nghiên cứu, chắt lọc để phục vụ xây dựng các văn bản liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của Nhóm 2 về Tổng kết Nội dung 3-Kinh tế: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tp-ho-chi-minh-co-nhieu-dong-gop-dac-biet-quan-trong-vao-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-post781229.html