TP Hồ Chí Minh có thêm 1.441 ca mắc mới và vẫn ở cấp độ 2
Tính từ 16 giờ ngày 10/12 đến 16 giờ ngày 11/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.441 ca nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 482.626 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Trong ngày 11/12, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã thông báo cấp độ dịch trên địa bàn thành phố ở cấp độ 2. Theo đó, đối với cấp quận, huyện, có 8 địa phương ở cấp độ 1 là Quận 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn; 13 địa phương cấp độ 2 là Quận 1, 3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ, Nhà Bè; Quận 4 vẫn duy trì cấp độ 3.
Với cấp phường, xã, thị trấn, có 115/312 địa phương cấp độ 1; 176/312 địa phương cấp độ 2 và 21/312 địa phương cấp độ 3. Như vậy, có 36 phường, xã giảm cấp độ dịch và 24 phường, xã tăng cấp độ dịch so với tuần trước.
Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có quyết định phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.
Cụ thể, UBND Thành phố đề 6 chiến lược chính gồm: Bao phủ vaccine COVID-19 đến từng người dân trên địa bàn thành phố; kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch; nâng cao năng lực phòng, chống dịch.
Theo đó, Thành phố hình thành mạng lưới Trạm y tế - Trạm y tế lưu động - Tổ y tế lưu động khu phố - Tổ COVID-19 động đồng; xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho nhân viên y tế tại y tế cơ sở; thí điểm cho bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành 12 tháng tại y tế cơ sở... Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cụ thể hóa chiến lược "mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ" thành trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Ban chỉ đạo phường, xã, thị trấn sẽ trực tiếp điều hành mọi hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, ...
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt nhất các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là biện pháp 5K, cố gắng thực hiện các thói quen tốt như đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm bớt việc tụ tập, ngồi với khoảng cách gần để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Trước đó, ngày 10/12, TP Hồ Chí Minh thực hiện tiêm liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên. Loại vaccine để tiêm bổ sung hoặc nhắc lại được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế theo nguyên tắc: Nếu trước đó tiêm cùng 1 loại vaccine thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ vi rút (vaccine Astrazeneca).
Theo đó, quận Gò Vấp tổ chức tiêm với 250 liều bổ sung. Đối tượng được tiêm là người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong 6 tháng...) và 2.000 liều vaccine nhắc lại cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gồm: nhân viên y tế, công an và quân đội. Ngoài ra, quận Gò Vấp sẽ tiếp tục tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và người dân sinh sống, học tập trên địa bàn quận Gò Vấp trong những ngày tiếp theo.
Cùng ngày, Trung tâm Y tế quận Tân Phú cũng tổ chức tiêm nhắc lại cho nhân viên y tế nhằm tăng cường miễn dịch. Theo đó, có hơn 80 nhân viên y tế tham gia tuyến đầu chống dịch được tiêm. Liều nhắc lại của vaccine phòng COVID-19 lần này được Trung tâm Y tế quận Tân Phú triển khai sử dụng là Pfizer-BioNTech và được tiêm cho người đã tiêm liều cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 6 tháng.