TP Hồ Chí Minh 'cởi trói' cho thị trường bất động sản
Trong bối cảnh thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn do các vướng mắc pháp lý kéo dài, thông tin về việc nhiều dự án bất động sản được tháo gỡ và Quyết định 100/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa đất mang lại kỳ vọng mới cho doanh nghiệp và người dân.
8 dự án được tháo gỡ vướng mắc
UBND TP Hồ Chí Minh gần đây đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản và nhà ở trên địa bàn quý III-2024. Theo đó, từ khi thành lập vào tháng 5-2023, Tổ công tác của TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 10 cuộc họp và ban hành 15 thông báo kết luận, qua đó xem xét giải quyết cho 30 dự án gặp vướng mắc. Trong số đó, 8 dự án đã được giải quyết hoàn toàn, các dự án còn lại đang tiếp tục trong quá trình tháo gỡ.
Các dự án được tháo gỡ bao gồm các dự án lớn như Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty Quốc Lộc Phát và Khu nhà ở xã hội của Công ty VTHouse và Tân Giao. Một số dự án trọng điểm khác, chẳng hạn như Khu chung cư và thương mại Metro Star của CT Group và Khu liên hợp thể dục thể thao Celadon City của Gamuda Land, cũng đã hoàn tất các thủ tục cần thiết, cho phép doanh nghiệp triển khai và ra mắt sản phẩm mới ra thị trường.
Đại diện Gamuda Land cho biết sau khi nhận được sự hỗ trợ từ thành phố, công ty đã hoàn tất thủ tục cấp sổ hồng cho khách hàng tại dự án Celadon City. Động thái này không chỉ mang lại tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp mà còn củng cố niềm tin cho khách hàng, tạo đà cho thị trường bất động sản khu vực phục hồi.
Với việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án như Metro Star của CT Group và các dự án lớn khác, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang dần có dấu hiệu phục hồi sau thời gian trì trệ do các vướng mắc kéo dài.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá cao nỗ lực của thành phố trong việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Ông cho rằng những động thái này không chỉ mang lại tin vui cho thị trường mà còn góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ mong muốn thành phố tiếp tục thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn lại, qua đó giúp thị trường phát triển ổn định hơn.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty EximRS chia sẻ rằng, dù việc tháo gỡ các rào cản pháp lý đã mở ra cơ hội cho nhiều chủ đầu tư, nhưng bảng giá đất mới của TP Hồ Chí Minh có thể làm tăng chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm. Theo bà, những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi áp dụng bảng giá mới sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, nhiều dự án vẫn đang chờ hoàn thiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, bao gồm các dự án như Lavita Garden của Công ty Địa ốc Hưng Thịnh và khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart của Tập đoàn Lotte. Khi hoàn tất, những dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho TP Hồ Chí Minh, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển đô thị bền vững.
Trong quý IV-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng sẽ trình Hội đồng Thẩm định giá đất để thu nghĩa vụ tài chính cho nhiều dự án lớn như khu dân cư Tân Phú của Tổng Công ty ACC, và một số khu đất thuộc Công ty Địa ốc Nova và Công ty Bất động sản Bình Thiên An. Các dự án này không chỉ giải quyết nhu cầu về nhà ở mà còn tạo động lực cho ngành xây dựng, thương mại và dịch vụ bất động sản TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc tháo gỡ các khó khăn tài chính cho các dự án bất động sản ngoài ngân sách. Chính quyền thành phố đang nỗ lực phối hợp với các sở ngành để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, quy hoạch hạ tầng và phát triển dự án đúng quy định pháp luật. Đối với các dự án như Tropic 1 của Tập đoàn Địa ốc Nova, dự án khu nhà ở tại Nhà Bè của Công ty Minh Long, và một số khu đất lớn của Công ty Địa ốc Sơn Kim, thành phố dự kiến áp dụng hệ số điều chỉnh đất mới để thu nghĩa vụ tài chính bổ sung. Đây là một bước đi quan trọng trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn chế, đòi hỏi sự chủ động từ các cơ quan quản lý.
Cơ hội mới từ Quyết định 100/2024
Trong khi đó, Quyết định 100/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh có hiệu lực từ ngày 31-10-2024, cũng được xem là một trong những yếu tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Quyết định này đã thay thế Quyết định 60/2017 giải tỏa những vướng mắc lâu nay trong việc tách thửa đất, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho thị trường địa ốc tại thành phố.
Cụ thể, theo Quyết định 100/2024, điều kiện tách thửa đã được đơn giản hóa, người dân chỉ cần đảm bảo các điều kiện về pháp lý đất đai và diện tích tối thiểu. Đất ở tại TP Hồ Chí Minh được chia thành ba khu vực khác nhau với các quy định diện tích tối thiểu và kích thước mặt tiền khác nhau, từ đó đáp ứng nhu cầu tách thửa ở cả các khu vực trung tâm và ngoại ô.
Trong trường hợp người dân dành một phần diện tích đất làm lối đi cho các thửa đất, phần diện tích này sẽ được chuyển sang hình thức sử dụng chung và ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lối đi này sẽ được UBND quận, huyện và TP Thủ Đức xem xét về các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước và điện trước khi chấp thuận tách thửa. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tách thửa để phục vụ nhu cầu cá nhân hay kinh doanh. Trước đây, Quyết định 60/2017 từng là rào cản khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc sử dụng đất, đặc biệt ở các khu vực ngoại ô và nông thôn.
Những bước đi của UBND TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ các khó khăn pháp lý cho các dự án bất động sản, kết hợp với các cải cách trong Quyết định 100/2024, đang góp phần tạo môi trường đầu tư minh bạch và ổn định, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi và phát triển. Những chính sách này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.
Bài, ảnh: SỸ BẮC