TP Hồ Chí Minh: Đào tạo miễn phí nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh Kon Tum
Những học viên tại tỉnh Kon Tum sẽ được tài trợ học bổng miễn phí để học tập các dịch vụ, khóa đào tạo chuyên ngành du lịch tại TP Hồ Chí Minh. Sau 6 tháng đào tạo, các học viên này sẽ trở về địa phương để phục vụ và phát triển ngành du lịch cho tỉnh.
Ngày 10/4, tại TP Hồ Chí Minh, Câu lạc Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp cùng UBND huyện Đắk Hà và UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tổ chức lễ khai giảng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh Kon Tum năm 2024.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum khóa I năm 2024 kéo dài 6 tháng, với sự tham gia của 19 học viên. Những học viên này được UBND huyện Đắk Hà và UBND huyện Tu Mơ Rông lựa chọn, giới thiệu để tạo nguồn nhân lực du lịch cho tỉnh nhà. Những học viên này sẽ được học tập trong môi trường chuyên nghiệp về du lịch tại TP Hồ Chí Min, được CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam tài trợ miễn phí.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, xác định du lịch là một trong các hướng đi nâng cao đời sống người đồng bào Xơ Đăng tại địa phương, tuy nhiên do hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật nên hoạt động du lịch tại huyện chưa phát triển xứng tiềm năng, thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, huyện mong muốn sau khóa đào tạo, các học viên khi trở về địa phương có thể làm du lịch chuyên nghiệp hơn, đồng thời giúp bà con dân tộc cùng phát triển du lịch bài bản hơn, phục vụ khách du lịch tốt hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh du lịch...
"Huyện Tu Mơ Rông đang tập trung xây dựng một đề án tổng thể phát triển du lịch có sự hỗ trợ, góp ý từ nhiều đơn vị, sở ngành, Tổng cục Du lịch. Trong đề án phát triển du lịch, tỉnh cũng lồng ghép những tiềm năng và thế mạnh của địa phương như các chương trình, dự án phát triển du lịch gắn với sâm Ngọc Linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, văn hóa bản địa. Ngoài ra, huyện cũng đang phát triển, khai thác thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng...", ông Võ Trung Mạnh cho biết thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ du lịch cho các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum đang thiếu hụt. Vì vậy, sau khóa đào tạo, các học viên trở về địa phương sẽ tạo thêm một nguồn nhân lực mới cho tỉnh. Ngoài việc trực tiếp phục vụ du khách, họ sẽ là các hạt nhân, truyền đạt lại kiến thức đã được học tại TP Hồ Chí Minh cho những người khác trong thôn bản của mình để cùng nhau làm du lịch. Về lâu dài sẽ giúp cho nguồn nhân lực du lịch tại các địa phương chuyên nghiệp hơn, nhân rộng hơn và dần dần giúp tỉnh phát triển du lịch chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh đang cấp phép và quản lý hoạt động cho 5 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch; quản lý và cấp 29 thẻ hướng dẫn viên du lịch (14 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 9 thẻ hướng dẫn viên nội địa, 6 thẻ hướng dẫn viên tại điểm). Đến nay, có 12 điểm du lịch cấp tỉnh đã được công nhận và nhiều điểm, khu du lịch tiềm năng khác đang được rà soát để bổ sung. Hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đang được xúc tiến mạnh mẽ, kéo theo đó nhu cầu về nhân lực trên địa bàn đang ngày một tăng cao và không ngừng tăng về chất lượng.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tỉnh Kon Tum cũng đang hướng đến lồng ghép nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ xã hội hóa từ các đơn vị, các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng kỹ năng thực hành, nâng cao kinh nghiệm thực tế...