TP. Hồ Chí Minh - Điểm đến đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư Nhật Bản

Nhật Bản mong muốn tận dụng cơ hội này để hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực

Ngày 9/12/2024, Hội nghị Bàn tròn giữa Chính quyền Thành phố và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JCCH) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp tổ chức, diễn ra cùng với sự tham dự của nhiểu sở ngành Thành phố như Sở Ngoại vụ, Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Hải quan, Cục Thuế… cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau của hai nước.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu, năm 2024 đánh dấu hơn nửa thế kỷ hợp tác và cùng nhau phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2023). Để kỷ niệm “cột mốc” này, trong thời gian vừa qua, Thành phố đã triển khai tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp và hàng loạt dự án hợp tác hiệu quả. Đặc biệt, năm 2024 đã là lần thứ 23 Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp Nhật Bản được tổ chức tại Thành phố, trở thành một truyền thống tốt đẹp cần tiếp tục phát huy.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (ngồi giữa)

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (ngồi giữa)

Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa TP. Hồ Chí Minh và Nhật Bản, tạo động lực quan trọng để Thành phố tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để TP. Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như đáp lại sự mong mỏi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản đã và sẽ đặt niềm tin vào Thành phố.

Ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam là một quốc gia tràn đầy sức trẻ với độ tuổi bình quân hiện tại là 32,4 tuổi. Tôi nghĩ là Việt Nam đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới với nguồn lực lao động ưu tú như hiện nay, trong thời gian tới chắc chắn sẽ tạo nên một động lực thúc đẩy to lớn để làm cho tăng trưởng kinh tế và cải tiến kỹ thuật.

Ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh

Ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh

Nhật Bản mong muốn tận dụng cơ hội này để hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giao lưu nhân dân và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số (DX), chuyển đổi xanh (GX) cũng là một chủ đề quan trọng.

Với tư cách là quốc gia tham gia vào "Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á " (AZEC), Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau hợp tác thành lập “Tổ Công tác thúc đẩy AZEC/GX” bao gồm chính phủ và các doanh nghiệp phía Nhật Bản và chính phủ phía Việt Nam tập trung chủ yếu tại Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Công thương để cùng nhau trao đổi tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh (GX) cho Việt Nam.

Nhật Bản và Việt Nam thông qua việc hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực này để hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội phát triển bền vững, vừa bảo đảm môi trường, vừa tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, có 1078 doanh nghiệp là hội viên JCCH. Trong số hơn 1000 hội viên đó thì cộng đồng doanh nghiệp có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 70% với 727 doanh nghiệp. Tại Hội nghị bàn tròn năm nay, JCCH đã đưa ra 17 kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến 4 lĩnh vực Pháp luật – Lao động, Thuế, Hải quan và Môi trường đời sống.

Ông Nozaki Takao, Chủ tịch JCCH cho rằng, với tốc độ tăng trưởng GRPD của TP. Hồ Chí Minh trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,85% so với cùng kỳ năm ngoái, là một tín hiệu rất khả quan để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% được Thành phố đặt ra cho năm nay. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước và là điểm đến đầy tiềm năng cho cộng đồng các nhà đầu tư Nhật Bản cả đầu tư mới và đầu tư mở rộng.

Với sự tăng trưởng về dân số cũng như thu nhập bình quân đầu người, trong những năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ở lĩnh vực dịch vụ phục vụ cho thị trường nội địa. Về mặt cơ sở hạ tầng, sắp tới đây Tuyến Metro số 1 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây được xem là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị Việt – Nhật và được đặt nhiều kỳ vọng, trong đó việc phát triển đô thị xung quanh các khu vực nhà ga là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển dọc tuyến đường sắt. Ở lĩnh vực này, Nhật Bản tự hào với nhiều doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm, sở hữu các công nghệ tiên tiến hi vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển đô thị Thành phố lấy trục Metro số 1 làm trung tâm.

“Ngoài ra, JCCH được biết hiện nay TP. Hồ Chí Minh đang chọn đẩy mạnh tăng trưởng xanh cho chiến lược phát triển thành phố, đồng thời đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG là điều không thể thiếu. Với bề dày kinh nghiệm và các công nghệ tiên tiến hiện đại, cộng đồng Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn góp phần đồng hành cùng thành phố trong triển khai hiện thực hóa các tiêu chí ESG này” – ông Nozaki Takao nói .

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Nhật Bản, môi trường kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh vẫn cần tiếp tục được cải thiện. Đơn cử như một số yêu cầu liên quan đến Khu chế xuất Tân Thuận, sau nhiều lần ý kiến sau thời gian 5 năm cơ quan quan rlys chức năng mới có thể đưa ra quyết định. Mặc dù đây là cả quá trinhfnoox lực, nhưng việc này lại đồng nghĩa với doanh nghiệp sẽ không thể quyết định về kế hoạch nhân sự hay chính sách đầu tư trong tương lai. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp.

Thực tế còn nhiều dự án như Khu chế xuất Tân Thuận, nơi quyền sử dụng đất và thời hạn dự án đang đến gần. Đối với những vấn đề như vậy, doanh nghiệp nhật Bản mong muốn các cơ quan chức năng chỉ ra rõ ràng và cụ thể những triển vọng tương lai. Bởi đây là điều vô cùng quan trọng và việc xem xét các chính sách lần đầu tiên khi thời hạn dự án sắp hết hạn có thể có tác động tiêu cực đến các khoản đầu tư trong tương lai.

Trong số các yêu cầu mới, liên quan đến yêu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà cửa… tại các khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cần can thiệp và thảo luận các vấn đề cụ thể được đề cập với các công ty và khu công nghiệp Nhật Bản.

Ngoài ra, về các yêu cầu liên quan đến giấy phép lao động, JCCH đã tiến hành khảo sát các công ty thành viên về tình trạng xin giấy phép lao động hiện nay. Kết quả là, khoảng 60% số người được hỏi trả lời rằng họ có thể lấy được chứng chỉ mà không gặp vấn đề gì và khoảng 35% cho biết họ có thể lấy được chứng chỉ mặc dù phải mất một thời gian. Mặc dù tình hình đã được cải thiện so với trước, nhưng cách giải thích của cơ quan quản lý chức năng rõ rãng vẫn có một khoảng cách chưa hợp lý.

“Vì vậy JCCH cho rằng “thực thi pháp luật minh bạch và hợp lý” là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư. Từ góc độ này, JCCH mong muốn yêu cầu cơ quan quản lý chức năng, sở ngành đưa ra cách giải thích pháp lý được công nhận là hợp lý từ góc độ quốc tế” - ông Nakagawa Motohisha , Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Môi trường Kinh doanh nêu ý kiến

Trước những thông tin từ đại diện JCCH, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hoan khẳng định, những kiến nghị của doanh nghiệp hôm nay là những đóng góp rất có ý nghĩa với TP. Hồ Chí Minh trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng Doanh nghiệp.

Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, quan tâm đầu tư vào Thành phố trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên, cả nhà đầu tư và các đối tác, người dân Việt Nam.

“Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, về nguồn nhân lực, về môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch của doanh nghiệp. Những thắc mắc, câu hỏi tiếp theo của doanh nghiệp liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, sẽ được chính quyền Thành phố lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất. Mong rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục tin tưởng và chọn lựa TP. Hồ Chí Minh là nơi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh và có thể xem đây như ngôi nhà thứ hai” – Phó Chủ tịch Hoan nhấn mạnh.

Tuyết Anh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-diem-den-day-tiem-nang-cho-cac-nha-dau-tu-nhat-ban-158607.html