TP. Hồ Chí Minh: Định hình khung chiến lược cho tăng trưởng xanh tại Cần Giờ
Trên cơ sở các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hồ Chí Minh đã có định hướng phát triển Cần Giờ thành trung tâm kinh tế hàng hải và đô thị dịch vụ du lịch, thông qua 2 dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu đô thị lấn biển. TP. Hồ Chí Minh sẽ chọn Cần Giờ làm trung tâm của chuyển đổi xanh và tiên phong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Tiềm năng và cơ hội
Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) nêu rõ, trong các ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố có danh mục đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên. Đây được xem là cơ hội rất lớn không chỉ riêng cho TP.HCM mà cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến với TP.HCM.
Đề cập mục tiêu chuyển đổi phát triển xanh, phát biểu tại nhiều diễn đàn mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, do có nhiều lợi thế, Cần Giờ được kỳ vọng sẽ là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu "net zero" (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đang định hướng tập trung đầu tư xây dựng Cần Giờ ở các lĩnh vực giao thông xanh, trong đó các phương tiện giao thông trên địa bàn phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh; xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; xây dựng điểm đến này không rác thải nhựa; phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ...
Theo ông Mãi, mới đây, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với quan điểm phát triển cảng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác để nơi đây trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Dưới góc độ chuyên gia, theo TS. Phan Thụy Kiều - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), Cần Giờ có vị trí địa lý rất thuận lợi mà ít có nơi nào có được, vừa là nơi có rừng ngập mặn diện tích khá lớn tiếp giáp với biển và mật độ dân số vừa phải để có thể kiểm soát trong quá trình triển khai thí điểm kinh tế xanh, hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Chính vì vậy, việc tập trung phát triển Cần Giờ xanh là hình mẫu thí điểm cho TP.HCM và cả nước về chuyển đổi xanh. Lộ trình chuyển đổi kinh tế xanh của thành phố là quá trình dài hạn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn, nỗ lực rất cao của không riêng TP.HCM. Nếu triển khai đại trà sẽ khó mang lại hiệu quả thiết thực nên thành phố đã chọn Cần Giờ làm địa phương thí điểm.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang xây dựng chương trình hành động cho Cần Giờ xanh; triển khai đề án phát triển kinh tế biển cho Cần Giờ theo hướng xanh và bền vững.
Trong lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết, định hướng trong phát triển du lịch Cần Giờ phải xanh, chính là phát triển du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn; du lịch trải nghiệm gắn với sản phẩm OCOP; tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng…, đây cũng đang là các lĩnh vực thu hút rất nhiều khách du lịch quan tâm, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng, tầm nhìn của Cần Giờ cần trở thành một hệ sinh thái toàn diện dựa trên nền kinh tế biển bền vững, ứng dụng tiến bộ trong đổi mới và phúc lợi cho người dân. Cần Giờ có thể chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn; phát triển các đô thị lấn biển kết hợp du lịch, dịch vụ và thương mại; khai thác tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Đồng thời, việc thúc đẩy hoàn thành dự án cảng trung chuyển và kết nối giao thông sẽ phá vỡ thế ốc đảo của địa phương này.
Do vậy, để Cần Giờ phát triển bền vững, hài hòa giữa con người, môi trường và kinh tế, cần bám sát 7 trụ cột gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng với công trình xanh; thiết kế quy hoạch đô thị; công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo; đa dạng sinh học và không gian xanh; tăng khả năng phục hồi và thích ứng; gắn kết cộng đồng và giáo dục; năng lượng tái tạo.
Chiến lược dài hạn cộng với quyết tâm chính trị cao
Cũng theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, Nghị quyết 98 đã mang đến sự đột phá, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có nguồn lực đủ mạnh, có sự quan tâm tới thành phố cũng như sự phát triển của Cần Giờ. Tận dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP), xã hội hóa và các nguồn lực từ tư nhân để tạo nguồn lực tổng hợp phát triển Cần Giờ.
TS.Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 nhận định, Cần Giờ có thể định hướng triển khai 3 ngành khả thi là du lịch biển, kinh tế hàng hải mà gốc là cảng biển và năng lượng tái tạo.
Nơi đây đang có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai thí điểm những mô hình kinh tế mới cho phát triển xanh, bền vững. Vì vậy, cần quyết tâm chính trị cao để đưa Cần Giờ từng bước theo mô hình của Cù lao Chàm là không có nhựa và xanh.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp xanh gắn với phát triển năng lượng tái tạo, một số chuyên gia đang mạnh dạn đề xuất, để Cần Giờ trở thành thành phố tiêu biểu, hoàn thành "net zero" vào năm 2030, thành phố cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt, đầu tư cho các dự án như đầu tư lưới điện, trạm và hạ tầng truyền tải điện.
Đặc biệt, cần quan tâm phát triển nhiều hồ chứa nước ngọt, nước mưa để dự phòng cung cấp nước cho thành phố, tiết kiệm nguồn nước mưa cho nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, trồng thêm rừng ngập mặn để lấn biển, giảm tác hại do biến đổi khí hậu và những tác động của đô thị hóa, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải phát điện.
UBND TP.HCM cho biết, đến nay, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai chương trình hành động xây dựng Cần Giờ xanh, trong đó trước mắt giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất trồng rừng gắn với tín chỉ carbon.
Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình du lịch sinh thái, kết hợp trải nghiệm chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất điện áp mái ở các cơ quan công sở và các bãi muối...
Các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch xanh là xu hướng tất yếu, trong đó Cần Giờ là địa phương thuận lợi cho thí điểm trong lộ trình hướng tới kinh tế xanh, bởi nơi đây có yêu cầu bắt buộc là vừa phát triển vừa phải bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các doanh nghiệp khi triển khai sản phẩm du lịch ở Cần Giờ cũng phải phải bảo đảm các tiêu chí xanh để phát triển bền vững.