TP.Hồ Chí Minh đốc thúc phát triển điện rác, BCG Energy (BGE) sẵn sàng triển khai nhà máy xử lý 2.000 tấn rác/ngày
Hiện các cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh đang nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc cuối cùng nhằm sớm đưa vào triển khai các dự án điện rác, hướng đến mục tiêu ít nhất 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ điện rác và tái chế vào năm 2025.
Nỗ lực thúc đẩy phát triển điện rác
Số liệu sơ bộ từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn thành phố đã lên đến gần 1,8 triệu tấn, trung bình khoảng 9.700 tấn mỗi ngày, tạo áp lực ngày càng lớn lên việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, cũng như sức khỏe cộng động.
Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phát điện đang được các cấp chính quyền và nhà đầu tư quan tâm, song quy trình, thủ tục đầu tư rất phức tạp, kéo dài, và còn nhiều chồng chéo trong các quy định pháp luật về đấu thầu, đất đai, xây dựng, đầu tư, lựa chọn công nghệ… khiến quá trình triển khai các dự án điện rác trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh chưa đạt kỳ vọng.
Trên thực tế, vào tháng 8/2019, nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TP.Hồ Chí Minh đã được khởi công tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) bởi công ty Vietstar, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 10.100 tỷ đồng (400 triệu USD. Nhà máy này dự kiến sẽ vận hành giai đoạn 1 vào năm 2020, xử lý 2.000 tấn rác mỗi ngày và đạt công suất 4.000 tấn mỗi ngày vào năm 2021.
Đến tháng 10/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa cũng khởi công xây dựng nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắc Củ Chi với quy mô 20 ha và tổng vốn đầu tư 5.0000 tỷ đồng. Nhà máy này có khả năng xử lý 2.000 tấn rác thải/ngày đêm và công suất phát điện lên tới 70 MW. Bên cạnh đó, dự án này có khả năng nâng công suất xử lý lên tới 5.200 tấn rác/ngày đêm.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, các dự án này vẫn chưa đi vào hoạt động theo kế hoạch do nhiều vướng mắc pháp lý.
Vừa qua, Công ty Cổ phần BCG Energy (mã cổ phiếu BGE - sàn UPCoM) đã tiến hành tiếp quản dự án điện rác của công ty Tâm Sinh Nghĩa. Với vị thế là một trong những nhà phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam và kinh nghiệm vận hành nhiều dự án lớn, động thái này được kỳ vọng sẽ giúp “hồi sinh” dự án điện rác.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, cơ quan này và các đơn vị có liên quan đang nỗ lực phối hợp nhằm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cuối cùng để tăng tốc triển khai các kế hoạch về phát triển điện rác trên địa bàn thành phố.
Hiện hai dự án này đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để được xem xét đưa vào danh mục các nguồn điện sản xuất từ rác trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).
Hiện vướng mắc lớn nhất của cả hai dự án điện rác của TP.Hồ Chí Minh là chưa được đưa vào danh mục các nguồn điện sản xuất từ rác trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).
UBND TP.Hồ Chí Minh đã có kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ dự án quy hoạch điện và yêu cầu chủ đầu tư hai dự án trên phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh về các thủ tục pháp lý liên quan đến quy hoạch điện.
Được biết, tháng 5/2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ danh mục các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trên cơ sở đề xuất của các địa phương và phù hợp với quy mô công suất đã được phân bổ tại Quy hoạch.
Theo đánh giá sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, nếu hai dự án trên được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2025 sẽ giúp xử lý khoảng 4.000 tấn rác thải/ngày đêm bằng công nghệ đốt rác phát điện.
Vừa qua, UBND TP.Hồ Chí Minh đã phê duyệt Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu tiêu tỉ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100% nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân.
Sử dụng công nghệ điện rác phù hợp với đặc thù Việt Nam
Theo chia sẻ của ông Phạm Minh Tuấn - Tổng Giám đốc điều hành BCG Energy, dự án điện rác của công ty sẵn sàng triển khai thi công ngay sau khi các thủ tục pháp lý được hoàn thiện.
Chia sẻ về công nghệ xử lý rác thái dự kiến áp dụng, Tổng Giám đốc điều hành BCG Energy cho biết, công ty đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, tìm hiểu kinh nghiệm từ các nhà máy đốt rác phát điện tại Nhật Bản và Trung Quốc, từ đó chủ động nghiên cứu, so sánh và lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Trong đó, vấn đề lớn nhất là Việt Nam chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn, thành phần của rác sinh hoạt chiếm phần lớn là rác thực phẩm, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp.
Để giải quyết vấn đề này, BCG Energy đã nghiên cứu lựa chọn công nghệ đốt kiểu ghi nhiều tầng, có khả năng đốt cháy hiệu quả rác thải có nhiệt trị thấp và chưa phân loại, chưa tiền xử lý như ở Việt Nam.
“Các thiết bị và hệ thống xử lý ô nhiễm của các dự án là mới 100%, được giám sát chế tạo và đảm bảo chất lượng bởi nhà cung cấp công nghệ lớn trên thế giới”, ông Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.
Vừa qua, BCG Energy cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hai đối tác Hàn Quốc, gồm công ty SK Ecoplant và tập đoàn SLC (Sudokwon Landfill Site Management Corp - Tập đoàn quản lý bãi chôn lấp Sudokwon) để hợp tác phát triển dự án điện rác và các giải pháp xử lý rác thải tại các địa phương có tiềm năng ở khu vực phía Nam.
SK Ecoplant là một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực phát triển năng lượng và thuộc SK Group. SK Group là chaebol lớn thứ 2 của Hàn Quốc, chỉ sau Tập đoàn Samsung.
Tập đoàn SLC thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc. Đây là tập đoàn chuyên về xử lý rác thải thân thiện với môi trường sinh thái, tái tạo rác thành năng lượng và phát triển công nghệ mới. SLC đang vận hành bãi chôn lấp Sudokwon - bãi chôn lấp lớn nhất thế giới.
SLC được chính phủ Hàn Quốc chỉ định và phụ trách dự án giảm khí thải nhà kính quốc tế trong lĩnh vực chất thải và hiện đang thực hiện dự án giảm khí nhà kính quốc tế thông qua đốt khí bãi rác tại bãi chôn lấp ở Ulaanbaatar (Mông Cổ).
Việc hợp tác với các đối tác lớn sẽ giúp công ty tiếp cận các giải pháp quản lý, xử lý rác thải tiên tiến, hiệu quả trên thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển điện rác tại Việt Nam, lãnh đạo BCG Energy chia sẻ.