TP Hồ Chí Minh: Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm hoàn thành năm 2025
Khi được hỏi dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm khi nào hoàn thành, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đưa ra thời điểm dự kiến là năm 2025.
Ngày 18/4, tại kỳ họp chuyên đề lần (kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2025), mặc dù dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm không có trong chương trình nghị sự, nhưng khi được đại biểu chất vấn gặp khó khăn gì, khi nào hoàn thành?
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP (DAĐTXDHTĐT) cho biết, dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm được HĐND TP thông qua Nghị quyết vào 9/12/2022. Do dự án chỉ thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư, chưa được HĐND TP bố trí vốn trung hạn và vốn 2023, nên hiện nay Ban DAĐTXDHTĐT đang xin bổ sung nguồn vốn để thực hiện các bước khảo sát. Còn thủ tục đấu thầu, đến nay chưa thực hiện được vì chưa được HĐND TP thông qua, nên tại kỳ họp tới, Ban DAĐTXDHTĐT cũng mong HĐND TP thông qua.
Về dự án rạch Xuyên Tâm, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết thêm, vào tháng 12/2022, HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư, đã thông qua thì phải làm các bước tiếp theo và UBND TP đã tiến hành các bước như: xây dựng dự án để trình vào kỳ họp giữa tháng 7/2023; điều chỉnh các đồ án quy hoạch để khi đủ điều kiện pháp lý thì triển khai ngay (dự kiến tháng 6/2023 xong phần điều chỉnh); hiện nay TP cũng đã triển khai dự án bổ sung là xây dựng nhà ở xã hội để phục vụ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
“Dự kiến cuối năm 2023 hoàn thiện pháp lý đoạn qua quận Gò Vấp, nếu thuận lợi thì khởi công và hoàn thành trước ngày 30/4/2025. Còn đoạn qua quận Bình Thạnh sẽ triển khai sau. UBND TP không ngồi chờ mà vẫn thường xuyên chỉ đạo các ngành quan tâm đến dự án này”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định.
Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu cũng thông qua 16 Nghị quyết, trong đó có 4 Nghị quyết đầu tư và điều chỉnh đầu tư về cầu, đường.
Theo đó, tại Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1, với mục tiêu đáp ứng yêu cầu của quy hoạch hạ tầng đường thủy trên sông Sài Gòn, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giao thông đường thủy, phát triển các cảng thủy nội địa của TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh, giảm tải cho giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác, tăng kết nối vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án này còn đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng mức đầu tư dự án là 111 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách TP, thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2025.
Đối với Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13, cũng có mục tiêu như dự án cầu Bình Phước 1. Về quy mô đầu tư nâng cấp cầu Bình Triệu 1 đạt khổ thông thuyền là 50m x 7m, thuộc dự án nhóm B. Tổng mức đầu tư hơn 133 tỷ đồng từ vốn ngân sách TP, thời gian thực hiện cũng từ năm 2023-2025.
Tại kỳ họp thứ 9, đại biểu cũng chất vấn tại sao dự án dự án cải tạo mở rộng đường Trương Quốc Dung (quận Phú Nhuận) có chủ trương từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn không khởi động? Đại diện UBND quận Phú Nhuận cho rằng, đường Trương Quốc Dung có vướng mắc trong quá trình bồi thường dẫn đến chậm tiến độ, do đó có điều chỉnh thời gian thực hiện. Vào giai đoạn 2016-2021, lúc đó còn HĐND quận, nhưng khi hiện thực hiện Nghị quyết 131 không tổ chức HĐND cấp quận, nên tiếp nối thời gian dự án và xin điều chỉnh thành năm 2016-2025 cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
HĐND TP đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh tên dự án từ dự án “Giải tỏa mở rộng đường Trương Quốc Dung (đoạn từ nhà số 74 Trương Quốc Dung đến đường Trần Hữu Trang) thành dự án “Cải tạo mở rộng đường Trương Quốc Dung”. Điều chỉnh tên chủ đầu tư từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (ĐTXDCT) quận Phú Nhuận thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (DAĐTXDKV) quận Phú Nhuận.
Về quy mô đầu tư sẽ bổ sung công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án. Tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh từ 73,853 tỷ đồng (gồm 8,193 tỷ đồng của dự án Giải tỏa mở rộng đường Trương Quốc Dung (đoạn từ nhà số 74 Trương Quốc Dung đến đường Trần Hữu Trang)và 65,660 tỷ đồng của dự án Bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án Cải tạo, mở rộng đường Trương Quốc Dung (đoạn từ hẻm 74 ra đường Trần Hữu Trang) trên địa bàn phường 10, quận Phú Nhuận) thành 95,301 tỷ đồng (trong đó điều chỉnh tăng các chi phí phục vụ công tác xây lắp từ 8,193 tỷ đồng thành 10 tỷ đồng; bổ sung và tăng thêm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ 65,660 tỷ đồng lên 85,301 tỷ đồng).
Nhóm dự án được điều chỉnh từ nhóm C thành nhóm B. Nguồn vốn thực hiện cũng được điều chỉnh từ ngân sách quận Phú Nhuận thành ngân sách TP, thời gian thực hiện điều chỉnh từ năm 2018-2020 thành 2016-2025.
Đối với dự án nâng cấp đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8) cũng được điều chỉnh chủ trương đầu tư với một số nội dung. Cụ thể, tên chủ đầu tư được điều chỉnh từ Ban Quản lý ĐTXDCT quận 8 thành Ban Quản lý DAĐTXDKV quận 8. Thời gian thực hiện dự án điều chỉnh từ giai đoạn 2016-2020 thành 2016-2025; tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 297,6 tỷ đồng lên 395,6 tỷ đồng.