TP. Hồ Chí Minh: Giá bất động sản ở quận Thủ Đức tăng cao

Vài tuần sau khi có chủ trương phát triển khu vực các quận phía Đông lên thành phố trong tương lai, giá bất động sản (BĐS) ở quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã tăng lên từ 30 - 50%.

Một góc quận Thủ Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: Gia Cư

Một góc quận Thủ Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: Gia Cư

Tăng ảo do bị thổi giá

Khu vực phường Trường Thọ được cho là trung tâm của thành phố (TP) Thủ Đức trong tương lai (đô thị phía Đông của TP. Hồ Chí Minh sau này), vì vậy qua tìm hiểu của phóng viên, hơn 2 tuần qua đã có rất nhiều người đến đây tìm hỏi, mua bán nhà, đất.

Anh Nguyễn Minh Hải ở đường nội bộ số 5 phường Trường Thọ cho biết, đất trong khu vực nhà anh đang ở hiện có giá giao dịch lên đến 90 - 100 triệu đồng/m2, trong khi trước đây không lâu chỉ khoảng 60 - 65 triệu đồng/m2. Khu đất gần nhà anh có diện tích 5 m x 20 m thổ cư, rao giá 10 tỷ đồng nay đã có người đặt mua, trong khi trước đây rao giá 7 đến 7,5 tỷ đồng cả năm không ai hỏi thăm. "Chắc vài hôm nữa lô đất này sẽ có chủ mới và sẽ còn khả năng lên giá nữa vì thấy người tới xem mấy khu đất trống gần đây nhiều lắm” - anh Hải cho biết thêm.

Là người chuyên mua đất xây nhà để bán ở các khu vực Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết, giá đất ở khu vực Thủ Đức đã xấp xỉ giá đất ở quận Bình Thạnh, nhất là ở các tuyến đường lớn, đường đẹp và gần khu vực Trường Thọ.

"Nếu không xảy ra dịch bệnh, thị trường bất động sản (BĐS) ổn định thì mức tăng mỗi năm chỉ khoảng 10 – 20% ở khu vực Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức. Tuy nhiên, năm nay các khu vực khác vẫn khá im ắng, giao dịch thấp, chỉ riêng Thủ Đức là có giao dịch cao tới 40%, thậm chí là 50%" – chị Tuyết chia sẻ.

Tại các phường Linh Trung, Hiệp Bình Chánh và Tam Phú quận Thủ Đức, hơn hai tuần qua, mỗi lần di chuyển qua các con đường, ngõ hẻm không khó để bắt gặp hàng chục nhóm người đến tìm hiểu và thực hiện các giao dịch BĐS. Người dân trong khu vực này cũng cho biết, đã có một số trường hợp “cò đất”, người mua, bán nhà đất cãi cự nhau do bị “bẻ kèo, lật kèo”. Khi đại diện ngành chức năng của phường xuất hiện thì họ tự giải tán, bỏ đi.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng trên chủ yếu là do môi giới dùng chiêu thức tự chủ động đưa ra giá bán mà chủ đất không biết, đến khi có người mua thì họ nâng lên. Nếu cơ quan chức năng thiếu kiểm soát có thể sẽ dẫn tới hậu quả không tốt, ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị ở khu vực sau này.

Cảnh báo của chuyên gia

Mấy ngày qua, nhiều người dân tại các quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9, TP. Hồ Chí Minh đang rất phấn khởi và đặt kỳ vọng vào việc chính quyền thành phố triển khai lấy ý kiến thăm dò từ người dân về chủ trương thành lập, xây dựng và đặt tên (thành phố trong lòng thành phố).

Nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc Thủ Đức cùng các quận phía Đông lên thành phố trong tương lai đương nhiên sẽ có nhiều dự án lớn hình thành, cơ sở vật chất, hạ tầng sẽ được đầu tư rất nhiều. Điều này không chỉ là tin vui mà còn là cơ hội tốt cho giới đầu tư BĐS, vì vậy họ sẵn sàng mua bán, đầu tư để đón đầu.

Ông Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai các bước thành lập, xây dựng thành phố cho khu vực này không thể rút ngắn giai đoạn mà phải làm thật kỹ càng, chi tiết từng bước một. Tuy nhiên việc lấy ý kiến người dân để tạo sự đồng thuận trong dân cũng là khâu rất quan trọng cho quá trình triển khai các bước tiếp theo. Tuy vậy, chưa biết khi nào sẽ công bố chính thức, phương án ra sao chưa rõ, còn hiện trạng hạ tầng hay mọi thứ ở khu vực Thủ Đức, quận 2, quận 9, vẫn chưa có gì thay đổi.

Các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận, giá BĐS tăng thường kèm theo điều kiện cụ thể của cơ sở hạ tầng sắp triển khai hoặc sắp đưa vào hoạt động. Hiện nay, mọi thứ mới là chủ trương mà nhiều khu đất đã tăng giá đến 40% - 50% cũng là điều mà chính quyền các cấp của TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm.

Đứng ở góc độ người mua, luật sư Lê Xuân Huân - đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, mới đây cũng cho rằng, người có ý định mua nhà, đất ở khu vực Thủ Đức và các quận phía Đông nên cân nhắc, vì thông tin thực tế chưa rõ ràng, nếu cứ "đu" theo mua thì rủi ro rất cao. Có thể thị trường BĐS sẽ còn vùng đáy, giá tốt hơn. Đặc biệt với người có tiền, có thể đầu tư lâu dài 5 - 10 năm thì nên chọn kỹ để mua nhưng nếu chỉ mua đầu tư lướt sóng, thiếu vốn và phải vay thêm thì không nên đầu tư trong giai đoạn này. Đối với cơ quan chức năng, cần thông tin rõ ràng, chính thống để người dân không bị những kẻ đầu cơ trục lợi.

Tại hội thảo về chủ trương xây dựng TP. Thủ Đức, PGS,TS Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc Phát triển Đô thị TP. Hồ Chí Minh lo ngại, chưa biết việc xây dựng TP. Thủ Đức sẽ theo hướng nào nhưng hiện tại giá đất đã tăng cao.

"Lãnh đạo địa phương cần phối hợp với các chủ đất, nhất là những chủ đầu tư nhiều khu đất lớn, khai thác quỹ đất hợp lý, hiệu quả, không thể để tình trạng đầu cơ giá đất làm hỏng quy hoạch" - ông Hòa nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho rằng, trong bối cảnh thành phố phía Đông sắp hình thành, việc khan hiếm nguồn cung chưa thể giải quyết được trong ngày một ngày hai thì giá BĐS khu vực phía Đông nhiều khả năng sẽ tiếp tục thiết lập mặt bằng mới. Hiện nay ở Thủ Đức đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, "thổi giá" BĐS. Đây là hiện tượng đáng báo động.

"TP. Thủ Đức chắc chắn sẽ cần khu vực BĐS cao cấp vì sẽ dành cho người có thu nhập cao về đây ở nhưng chúng tôi quan tâm việc phát triển nhà ở vừa túi tiền cho người dân, điều mà chúng tôi trăn trở 20 năm qua mới được Chính phủ thông qua để làm nhà thương mại diện tích 25 m2. Khi phát triển TP. Thủ Đức thì người dân địa phương phải được hưởng lợi từ giá đất tăng hoặc giá nhà hợp lý chứ không để tình trạng người đầu cơ làm hỏng hết chương trình quy hoạch này" - ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-10-02/tp-ho-chi-minh-gia-bat-dong-san-o-quan-thu-duc-tang-cao-92966.aspx