TP Hồ Chí Minh giảm nghèo thực chất, thoát nghèo bền vững

Với phương châm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau và không để tái nghèo, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nỗ lực về đích sớm

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại phường 15, quận Phú Nhuận, bà Nguyễn Thị Phương Ánh bày tỏ phấn khởi khi gia đình vừa thoát nghèo nhờ sự chung tay hỗ trợ của địa phương. Vài năm trước, chồng bà không may bị bệnh nặng rồi qua đời, bà Ánh mất đi nguồn thu nhập chính nên càng khó khăn hơn trong cuộc sống và chăm lo hai người con ăn học. Gia đình bà nhận được sự hỗ trợ của các cấp trong chương trình giảm nghèo về cấp thẻ bảo hiểm y tế, giảm tiền điện, tiền nước sinh hoạt, miễn, giảm học phí và được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo.

 Các đơn vị trao phương tiện sinh kế tặng hộ nghèo tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Các đơn vị trao phương tiện sinh kế tặng hộ nghèo tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Bà Ánh chia sẻ: “Từ sự hỗ trợ của địa phương, tôi làm thêm nhiều công việc để có thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Hiện một người con của tôi đã có việc làm, phụ giúp kinh tế gia đình. Gia đình tôi quyết tâm phấn đấu vươn lên, không để tái nghèo, xứng đáng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp”.

Quận Phú Nhuận vừa được UBND TP Hồ Chí Minh công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Đầu giai đoạn 2021-2025, quận còn 639 hộ nghèo (chiếm 1,35% hộ dân), đến cuối tháng 3-2024, toàn quận không còn hộ nghèo, chỉ còn 292 hộ cận nghèo (chiếm 0,62% hộ dân) với hơn 1.350 nhân khẩu.

Đồng chí Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết: “Đảng bộ, chính quyền quận tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo thực chất và toàn diện với phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá”. Quận đã huy động, vận động các nguồn lực tạo nên hệ sinh thái hỗ trợ giảm nghèo từ công tác an sinh xã hội, phát huy nguồn vốn giảm nghèo đến các chính sách chăm lo, trao tặng phương tiện sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Việc giảm nghèo không thực hiện giao khoán mà có sự phân công, giám sát, hỗ trợ sâu sát, chú trọng khơi dậy ý chí vươn lên của hộ dân”.

Là đô thị đặc biệt, TP Hồ Chí Minh xác định không chỉ giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia mà thường xuyên bổ sung, nâng cao chuẩn nghèo để bảo đảm tính bền vững. Giai đoạn 2021-2025, thành phố đã triển khai chương trình giảm nghèo bền vững theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều gồm 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt xã hội cơ bản. Phương pháp này không áp dụng tiêu chí thu nhập trong xác định hộ nghèo mà hộ nghèo là hộ có 3 chỉ số thiếu hụt trở lên, có thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống. Mục tiêu phương pháp này hướng tới là hỗ trợ người nghèo được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về điều kiện sống và các dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP Hồ Chí Minh: Đến cuối năm 2022, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia và đến cuối năm 2023, thành phố còn gần 8.300 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,33% hộ dân) theo chuẩn nghèo đa chiều thành phố. Với kết quả trên, thành phố đã hoàn thành trước thời hạn hai năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra là đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Đến nay, 9 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo.

Thực chất, hiệu quả bền vững lâu dài

Để bảo đảm chương trình giảm nghèo có hiệu quả thực chất, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU về việc tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố. Năm 2024, thành phố huy động tổng hợp các nguồn lực thực hiện những chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo với tổng kinh phí dự kiến hơn 13.700 tỷ đồng. Thành phố cũng xác định năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2021-2025 hướng tới chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).

Các đơn vị trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình thương tới hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Các đơn vị trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình thương tới hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Các địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực của xã hội từ các thành phần kinh tế tham gia trong thực hiện công tác giảm nghèo. Thành phố tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đi đôi với ban hành đa dạng chính sách hỗ trợ, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Các đơn vị, địa phương sẽ lồng ghép chương trình giảm nghèo bền vững với các phong trào thi đua yêu nước ở từng khu phố, đơn vị hành chính cấp xã trở lên.

Từ kinh nghiệm của địa phương hoàn thành xóa hộ nghèo, đồng chí Phan Thị Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND phường 10, quận 3 chia sẻ: “Phường đã triển khai những cách làm thực chất, hiệu quả, trong đó chú trọng phát huy nguồn quỹ “Giải quyết việc làm” và hỗ trợ đào tạo nghề để hộ nghèo có nghề nghiệp ổn định, tăng thu nhập. Các chi bộ khu phố cũng lựa chọn hộ nghèo để mở sổ tiết kiệm giúp hộ dân này có nguồn vốn làm kinh tế với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cộng đồng khu phố”.

Đồng hành trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, hệ thống MTTQ Việt Nam của TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều mô hình thiết thực như: “Ngày hội nhân ái”, “Kết nối sẻ chia-Trao yêu thương”, “Heo đất nghĩa tình”, “Siêu thị 0 đồng”... Hệ thống MTTQ còn tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội ý nghĩa như: Xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trao tặng phương tiện sinh kế, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, tặng học bổng... Hiệu quả từ các mô hình đã hỗ trợ tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Cùng với công tác giảm, xóa hộ nghèo, TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục theo dõi và thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, các hộ vừa thoát chuẩn nghèo để có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ kịp thời nhằm tránh tái nghèo. Những thành tựu hiện nay là động lực mạnh mẽ để toàn thành phố thi đua hoàn thành xóa hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố đến trước thời điểm 30-4-2025.

Theo đồng chí Nguyễn Tăng Minh, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 98/2023/QH15 và các văn bản về cơ chế phát triển của TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần mở ra nhiều chính sách, chương trình tạo dựng hệ sinh thái và môi trường phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giúp thành phố hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, là điểm sáng của công tác này trong cả nước.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tp-ho-chi-minh-giam-ngheo-thuc-chat-thoat-ngheo-ben-vung-787393