TP Hồ Chí Minh: Học sinh rộn ràng đến trường, phụ huynh mừng vì được 'giải phóng'

Sáng 14/2, hơn 1 triệu học sinh các khối Mầm non, Tiểu học và lớp 6 tại TP Hồ Chí Minh đã phấn khởi đến trường sau 9 tháng phải học online ở nhà để phòng, chống dịch COVID-19.

Trước cổng các trường Mầm non, Tiểu học vào sáng 14/2 đã rộn rã tiếng nói cười xen lẫn tiếng khóc, mếu máo của học sinh trong ngày đầu đến trường. Các trường học cũng đã tăng cường công tác phòng, chống dịch như đo thân nhiệt, bố trí nước rửa tay sát khuẩn... trước cổng trường.

Học sinh phấn khởi, phụ huynh được "giải phóng"

Học sinh trường Mầm non Hoa Mai được đo nhiệt độ trước khi vào lớp học.

Học sinh trường Mầm non Hoa Mai được đo nhiệt độ trước khi vào lớp học.

Sáng nay, vợ chồng chị Trần Thị Phúc (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) dậy từ lúc 5 giờ 30 phút để chuẩn bị đồ ăn sáng và đưa cậu con trai học lớp mẫu giáo cùng cô con gái học lớp 2 đến trường sau thời gian dài nghỉ học vì dịch COVID-19. Chị Phúc cho biết, khi đưa hai con đến trường, cô chị thì rất phấn khởi còn cậu con trai thì lại khóc.

"Hai đứa nhỏ ở nhà trong suốt thời gian qua chỉ quanh quẩn với tivi, điện thoại, đồ chơi. Mấy tháng không được đến trường, cô con gái ngày nào cũng hỏi khi nào con được đến trường, con nhớ các bạn, nhớ cô giáo. Khi nhà trường lấy ý kiến phụ huynh, tôi đồng ý cho con đi học luôn", chị Phúc chia sẻ.

Phụ huynh phấn khởi đưa trẻ đến trường trong sáng 14/2.

Phụ huynh phấn khởi đưa trẻ đến trường trong sáng 14/2.

Còn chị Nguyễn Thị Thủy Tiên thì cười nói: "Hôm nay là ngày giải phóng của phụ huynh. Mấy tháng qua, hai đứa nhỏ nghỉ ở nhà khiến cả hai vợ chồng không thể làm được gì. Hai vợ chồng thay phiên nhau xin nghỉ làm để trông hai đứa nhỏ. Ngày nào cũng bù đầu với nấu nướng, học online của các con. Nhiều lúc hai vợ chồng cãi nhau vì việc trông con".

Chị Tiên cũng cho biết, hai cô con gái rất phấn khởi và háo hức ngày được đi học. Mấy ngày trước đó, ngày nào cô gái lớn học lớp 3 cũng mang bộ đồng phục ra ngắm, rồi soạn đồ dùng học tập như ngày đầu tiên vào lớp 1 vậy. Cô gái nhỏ 5 tuổi cũng rất háo hức khi được gặp cô giáo và các bạn.

Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Đề Thám (Quận 5) phấn khởi trong ngày đầu đi học lại sau 9 tháng nghỉ vì dịch.

Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Đề Thám (Quận 5) phấn khởi trong ngày đầu đi học lại sau 9 tháng nghỉ vì dịch.

“Các con đi học có không gian giao tiếp, vui chơi cùng bạn bè, phụ huynh cũng giải tỏa được căng thẳng sau nhiều tháng cùng con học trực tuyến. Tối hôm qua, tôi đã chuẩn bị sách vở và đồ dùng đầy đủ để đưa hai con đến lớp”, chị Tiên chia sẻ.

Em Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Nguyễn Văn Banh (thành phố Thủ Đức) phấn khởi nói: "Con rất thích được đi học, ở nhà chán lắm. Tới trường con được gặp các bạn và được chơi cùng các bạn".

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Bùi Văn Mới (thành phố Thủ Đức) được giáo viên đưa vào lớp trong ngày đầu tiên đến trường.

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Bùi Văn Mới (thành phố Thủ Đức) được giáo viên đưa vào lớp trong ngày đầu tiên đến trường.

Đảm bảo an toàn phòng dịch

Ghi nhận tại các trường Tiểu học, Mầm non trong sáng 14/2, các trường đều bố trí cán bộ, giáo viên đo thân nhiệt từng phụ huynh và học sinh ngay từ ngoài cổng. Chẳng hạn như tại trường Mầm non Hoa Mai (thành phố Thủ Đức), tất cả học sinh được hướng dẫn đến bồn rửa tay kỹ càng trước khi vào lớp học; phụ huynh nghiêm túc thực hiện đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế, rửa tay trước khi đưa con vào lớp.

Các trường luôn bố trí đội ngũ nhân viên đứng trước cổng trường để đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, phụ huynh sẽ không được vào lớp học.

Các trường luôn bố trí đội ngũ nhân viên đứng trước cổng trường để đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, phụ huynh sẽ không được vào lớp học.

Đại diện trường Mầm non Hoa Mai cho biết, nhằm tránh tập trung đông người cùng lúc, nhà trường đã bố trí lệch giờ đón, trả trẻ giữa các khối lớp. Cụ thể, giờ đón trẻ khối lớp Mầm bắt đầu từ 6 giờ 45 phút đến 8 giờ, giờ trả trẻ từ 15 giờ 30 phút. Khối lớp Lá, đón trẻ từ 7 giờ đến 8 giờ, trả trẻ từ 16 giờ. Trong tuần đầu tiên, nhà trường không tổ chức cho trẻ ăn sáng tại trường. Bên cạnh đó, trường khuyến cáo phụ huynh, nếu trẻ có những biểu hiện sốt, ho, khó thở... thì không cho trẻ đến trường, nên cho trẻ nghỉ học ở nhà tự theo dõi sức khỏe và báo cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp.

Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) cho biết: "Hôm nay, các thầy cô và trò hân hoan được quay trở lại trường. Đây là thời điểm vô cùng chín muồi cho học sinh đi học sau một thời gian nghỉ dài. Bởi, Thành phố nói chung và Quận 1 nói riêng đang là vùng xanh và rất an toàn để các em quay trở lại lớp. Chúng tôi đã phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc giáo dục cho học sinh những kỹ năng cơ bản nhất để các em có ý thức tự giác trong việc phòng, chống dịch".

Các trường còn bố trí thêm máy rửa tay sát khuẩn tự động trước cổng trường học.

Các trường còn bố trí thêm máy rửa tay sát khuẩn tự động trước cổng trường học.

Theo cô Đỗ Ngọc Chi, trong năm học 2021- 2022, trường có 1.550 học sinh với 41 lớp học. Để đảm bảo an toàn cho trẻ trở lại trường học, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được xem là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, trường cũng đã có những phương án ứng phó, thích ứng với mọi tình huống an toàn nhất. Trước khi đón trẻ, nhà trường tổng vệ sinh, khử khuẩn, tập huấn cho cán bộ, giáo viên khi có trường hợp F0. Tại trường có 16 máy phun khử khuẩn tự động và 6 máy đo thân nhiệt tự động. Bên cạnh đó, tại mỗi lớp còn được trang bị thêm máy đo nhiệt độ và nước rửa tay khô.

Để chuẩn bị an toàn cho trẻ đến trường, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tình hình thực tế việc triển khai an toàn phòng, chống dịch tại các trường Mầm non và Tiểu học trên địa bàn thành phố. Qua đánh giá thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các trường và được thực hiện nghiêm theo hướng dẫn, đồng thời nhấn mạnh và hướng dẫn kỹ việc xác định chính xác các trường hợp F1 cho trẻ ở lứa tuổi Tiểu học và Mầm non.

Để đảm bảo an ninh trật tự, không xảy ra tình trạng ùn tắc, tập trung đông người trước cổng trường, các trường phối hợp với lực lượng dân quân địa phương điều tiết giao thông qua khu vực này.

Để đảm bảo an ninh trật tự, không xảy ra tình trạng ùn tắc, tập trung đông người trước cổng trường, các trường phối hợp với lực lượng dân quân địa phương điều tiết giao thông qua khu vực này.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, việc đánh giá an toàn phòng, chống dịch trong nhà trường hiện nay vẫn đang thực hiện theo quy định của UBND Thành phố về bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong các cơ sở giáo dục. Sở đã có hướng dẫn cụ thể và hiện các trường vẫn sẽ thực hiện đánh giá mức độ an toàn phòng dịch theo bộ tiêu chí cũ. Việc tổ chức dạy học trực tiếp theo thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vẫn thực hiện theo Quyết định 3900 của UBND Thành phố với từng cấp độ dịch có quy định về việc dạy học trực tiếp riêng.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, các trường còn tạo không khí vui tươi, trang hoàng màu sắc sặc sỡ để chào đón học sinh quay trở lại trường học sau một thời gian dài nghỉ học vì dịch.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, các trường còn tạo không khí vui tươi, trang hoàng màu sắc sặc sỡ để chào đón học sinh quay trở lại trường học sau một thời gian dài nghỉ học vì dịch.

Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh, có hơn 80% phụ huynh học sinh Tiểu học và gần 70% phụ huynh học sinh từ 3 - 6 tuổi đăng ký cho con em đi học trực tiếp trong đợt này. Theo kế hoạch của Sở, học sinh Tiểu học tại TP Hồ Chí Minh sẽ đi học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.

Bài và ảnh: Đan Phương-Hoàng Tuyết/báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/tp-ho-chi-minh-hoc-sinh-ron-rang-den-truong-phu-huynh-mung-vi-duoc-giai-phong-20220214110559357.htm