TP Hồ Chí Minh: Hơn 300 bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế Đại lễ Vesak 2025

Ngày 7-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc tế Đại lễ Vesak 2025 với chủ đề 'Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững'.

Nghi thức truyền thống Phật giáo tụng kinh cầu hòa bình thế giới. Ảnh: Thanh Hằng

Nghi thức truyền thống Phật giáo tụng kinh cầu hòa bình thế giới. Ảnh: Thanh Hằng

Hội thảo là một trong những sự kiện chính đáng chú ý tại Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 năm 2025, với sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ 80 quốc gia trên thế giới, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo gồm phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề (tiếng Anh và tiếng Việt) với hơn 300 bài tham luận (vào buổi sáng và buổi chiều). Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào 5 chủ đề chính yếu: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải; Từ bi Phật giáo qua hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; và Thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.

Ông Ramdas Athawale, Bộ trưởng Bộ Công lý Xã hội và Trao quyền công bố thông điệp của Nhà nước Ấn Độ gửi đến Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. Ảnh: Thanh Hằng

Ông Ramdas Athawale, Bộ trưởng Bộ Công lý Xã hội và Trao quyền công bố thông điệp của Nhà nước Ấn Độ gửi đến Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. Ảnh: Thanh Hằng

Tại đây, các tác giả đã vận dụng phương pháp tiếp cận đa chiều, kết hợp giữa nghiên cứu kinh điển Phật giáo với những lĩnh vực như tâm lý học, giáo dục học, xã hội học… Đặc biệt, các tham luận nhấn mạnh vai trò của việc vận dụng tuệ giác Phật giáo vào giải quyết các thách thức đương đại thông qua các khái niệm then chốt như tính vô thường, tính tương tức và lòng từ bi.

Song song đó, các nghiên cứu đã chứng minh rằng tư tưởng Phật giáo không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn có tính ứng dụng cao trong xây dựng hòa bình, phát triển bền vững và nâng cao phẩm giá con người.

Điển hình, trong tham luận với chủ đề “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới”, Hòa thượng Tiến sĩ Gallelle Sumanasiri, Tổng Thư ký Hội đồng Chuyên trách về Phát triển và Phật sự Sri Lanka, trình bày tham luận với chủ đề “Đức tin và lòng từ bi, bình an bên trong và hòa bình bên ngoài”.

Các đại biểu tham dự hội thảo chuyên đề “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới”. Ảnh: Báo Giác ngộ

Các đại biểu tham dự hội thảo chuyên đề “Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới”. Ảnh: Báo Giác ngộ

Theo diễn giả Gallelle Sumanasiri, “Con người là một sinh vật lý trí, để đối mặt với những thách thức của cuộc sống, con người đã sáng tạo ra nhiều dạng thức cộng đồng và tôn giáo là một trong số đó. Đối mặt và vượt qua nỗi khổ niềm đau để đạt được hạnh phúc là một trong những thách thức luôn hiện diện trong đời sống con người. Để giải quyết vấn đề đó, Phật giáo như một hệ thống tư tưởng luôn đặt con người là chủ thể và ý thức được sức mạnh của ý chí và nỗ lực của con người có thể giúp họ vượt qua đau khổ, đạt được hạnh phúc, hòa bình lâu dài mà không cần sự hỗ trợ của các thế lực siêu hình”.

Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo. Ảnh: Thanh Hằng

Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo. Ảnh: Thanh Hằng

Tham luận của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, với bài trình bày “Vesak 2025: Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm - Tuệ giác Phật giáo cho hòa bình và phát triển bền vững”, đã nêu bật vai trò của tuệ giác Phật giáo trong việc hóa giải khổ đau, khơi nguồn hòa hợp và xây dựng nền tảng bền vững cho nhân loại.

“Các giá trị như đoàn kết, bao dung và tôn trọng nhân phẩm không chỉ là lý tưởng đạo đức mà còn là phương tiện thực tiễn để thúc đẩy đối thoại liên văn hóa, khắc phục chia rẽ tôn giáo và định hình chính sách toàn cầu dựa trên trí tuệ và từ bi”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định.

Đại lễ Vesak 2025, với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”, được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6 đến 8-5, với sự tham dự của hơn 2.700 đại biểu (khoảng 1.250 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, và khoảng 1.500 đại biểu trong nước).

Nghiêm Ý - Thanh Hằng - Văn Bình

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-hon-300-bai-tham-luan-tai-hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-dai-le-vesak-2025-701493.html