TP Hồ Chí Minh: Khai mạc Liên hoan phim sinh viên quốc tế ISMA 2025
Sáng 25/7, Liên hoan phim sinh viên quốc tế ISMA 2025 với chủ đề 'Môi trường - Dòng sông và con người' đã chính thức khai mạc tại tại trường Đại học Văn Lang. Sự kiện quy tụ 121 tác phẩm từ 37 trường đại học thuộc 8 quốc gia, mở ra không gian học thuật, nghệ thuật giàu sáng tạo và nhân văn cho cộng đồng làm phim trẻ toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên Liên hoan phim sinh viên quốc tế ISMA 2025 được tổ chức tại Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới khi sân khấu để công nghệ và nghệ thuật cùng hòa quyện, phản ánh những vấn đề toàn cầu như môi trường, đô thị, bản sắc và sự sống. Bốn hạng mục chính của liên hoan gồm: Phim ngắn, nghệ thuật hoạt hình, nghệ thuật tương tác và tự sự bằng trí tuệ nhân tạo (AI Narrative).

Liên hoan phim Sinh viên Quốc tế ISMA 2025 với chủ đề “Môi trường - Dòng sông và con người” đã được khai mạc ngày 24/7.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết: “Sự hiện diện của hơn 30 giáo sư, chuyên gia, cùng hơn 50 sinh viên quốc tế là minh chứng sống động cho tinh thần kết nối xuyên biên giới của nghệ thuật và giáo dục”.
Các tác phẩm năm nay tập trung khai thác mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời phản ánh sự chuyển mình của tư duy nghệ thuật khi công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trở thành một phần trong cách kể chuyện. Các thể loại Animation và AI Narrative đặc biệt nổi bật với cách tiếp cận mới mẻ, sáng tạo và giàu cảm xúc.
NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn, đại diện Việt Nam trong Hội đồng giám khảo chia sẻ: “ISMA không chỉ là sân chơi của người trẻ mà còn là không gian học thuật nghiêm túc, nơi nghệ thuật trở thành công cụ phản biện, giúp sinh viên quốc tế rèn luyện cảm quan xã hội và tư duy sáng tạo”.

PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang trao kỷ niệm chương cho các thành viên của BTC, Ban Giám khảo Liên hoan.
ISMA 2025 nổi bật với chương trình 72-Hour Workshop. Tại đây, 8 nhóm sinh viên quốc tế sẽ thực hiện phim ngắn trong 72 giờ tại TP Hồ Chí Minh, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư và nghệ sĩ quốc tế.
Liên hoan cũng tổ chức Diễn đàn học thuật với sự tham gia của các chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu, tập trung vào ứng dụng AI và công nghệ mới trong đào tạo nghệ thuật. Sự kiện không chỉ thúc đẩy đổi mới giáo dục mà còn khẳng định vai trò của Việt Nam trong hội nhập giáo dục quốc tế.

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, sự kiện quy tụ 121 tác phẩm từ 37 trường đại học thuộc 8 quốc gia trên thế giới.
ISMA 2025 diễn ra vào dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là dấu mốc kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Văn Lang. Trong ý nghĩa đặc biệt đó, liên hoan không chỉ là sự kiện điện ảnh mang tính học thuật quốc tế, mà còn là dịp để Việt Nam giới thiệu hình ảnh một nền giáo dục nhân văn, đổi mới và hội nhập sâu rộng với thế giới.