TP. Hồ Chí Minh khẩn trương vào cuộc giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2024, tổng vốn đầu tư công TP. Hồ Chí Minh được giao giải ngân hơn 79 nghìn tỷ đồng. Do đây là con số lớn chưa từng có trong đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh, nên địa phương đang khẩn trương triển khai công tác này ngay trong những ngày đầu năm, với mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đồ họa: Văn Chung

Ưu tiên những dự án cấp bách, trọng điểm

Cụ thể hơn về số vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, vốn ngân sách trung ương là 3.686 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương dự kiến 75.577 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước 2.546 tỷ đồng và vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương 1.141 tỷ đồng.

Rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư

‘‘Để công tác giải ngân năm 2024 đạt kết quả như mong muốn, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp đã thực hiện hiệu quả ở năm 2023, đặc biệt là việc rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư để quý I, quý II có thể hoàn thành thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng, trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung vào công tác xây lắp’’ - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.

Theo kế hoạch, nguồn này sẽ được TP. Hồ Chí Minh bố trí cho các dự án trọng điểm đã và đang triển khai gồm: Dự án xây dựng nút giao thông An Phú 500 tỷ đồng; Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua TP. Hồ Chí Minh (bao gồm kênh Thầy Thuốc) 500 tỷ đồng; Dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh gần 46 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn), với 1.500 tỷ đồng. Đây là dự án có số vốn được bố trí nhiều nhất.

Đối với số vốn ngân sách trung ương có nguồn gốc từ bên ngoài, TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch bố trí bố trí 868 tỷ đồng cho: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên); 100 tỷ đồng cho Dự án cải tạo, phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP. Hồ Chí Minh (dự án SPR); 173 tỷ đồng cho Dự án vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2 (WB).

Về kế hoạch đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, số vốn phân bổ cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. Hồ Chí Minh là 74.283 tỷ đồng. Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho hay, cả nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương sẽ được thành phố ưu tiên bố trí để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án cấp bách, trọng điểm.

Thực hiện trước đối với những dự án đủ thủ tục

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại buổi họp về chuẩn bị triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình UBND TP. Hồ Chí Minh phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024, theo Nghị quyết số 208/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND TP.

Cùng với đó, Sở Tài chính cũng được giao khẩn trương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các chủ đầu tư dự án hoàn thành nhập TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) cho các dự án được phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trong tháng 1/2024. Trong đó, ưu tiên thực hiện trước đối với các dự án đã đầy đủ các thủ tục để giải ngân, đặc biệt là các dự án được giao vốn lớn. Các chủ đầu tư bố trí nhân sự cố định, chịu trách nhiệm rà soát kỹ, cập nhật chính xác và đầy đủ các thông tin, các mục lục liên quan của dự án để nhập TABMIS cho các dự án, đảm bảo không để xảy ra sai sót, gây mất thời gian trong thực hiện các bước thủ tục khi phải điều chỉnh.

Về thực hiện thủ tục đầu tư các dự án được xác định giải ngân trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức phối hợp chặt với các chủ đầu tư dự án hoàn tất thủ tục đầu tư liên quan, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án theo các mốc thời gian: hoàn tất thủ tục phê duyệt các dự án nhóm C trước ngày 31/1/2024; các dự án nhóm B và 3 dự án mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi (nhóm A) trước ngày 15/3/2024 và các dự án nhóm A khác trước ngày 15/6/2024. Đối với các dự án có thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất các thủ tục về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo có thể giải ngân số vốn bố trí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quý II/2024.

‘‘Để công tác giải ngân năm 2024 đạt kết quả như mong muốn, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp đã thực hiện hiệu quả ở năm 2023, đặc biệt là việc rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư để quý I, quý II có thể hoàn thành thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng, trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung vào công tác xây lắp’’ - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh./.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-khan-truong-vao-cuoc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-143069.html