TP. Hồ Chí Minh: Kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn quý I/2024 nối tiếp đà phục hồi của tăng trưởng quý IV/2023, với GRDP tăng 6,54% so với cùng kỳ năm 2023.
Kinh tế tăng trưởng cao hơn dự báo
Những thông tin kinh tế tích cực trên được ông Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, báo cáo tại Hội nghị lần thứ 28 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa diễn ra hôm 27/3.
Khu vực dịch vụ có mức tăng cao nhất là 7,34%, đóng góp lớn nhất với 71,8% vào tốc độ GRDP của thành phố; 9 ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương…
Hoạt động xuất nhập khẩu có tín hiệu tích cực. Trong đó, xuất khẩu tăng 7% và nhập khẩu tăng 3,5%. Đối với vấn đề lạm phát, tuy trong mùa cao điểm tết nhưng đã được kiểm soát khá tốt, khi chỉ số giá tiêu dùng trong quý I chỉ tăng 3%.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước quý I/2024 ước tăng 7,6% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng 1,7%).
Trong quý I/2024, một số ngành của TP. Hồ Chí Minh chưa mang lại tính “trọng điểm”, “lan tỏa” như kỳ vọng gồm chế biến thực phẩm, điện tử, một số ngành thâm dụng lao động thì xu hướng giảm nhanh như sản xuất trang phục, sản xuất giày da. Hoạt động chế biến, chế tạo là trụ cột của công nghiệp (chiếm hơn 90% giá trị toàn ngành công nghiệp) chỉ tăng 4,9%, thấp hơn mức tăng chung toàn ngành công nghiệp.
Kinh tế tăng trưởng 6,54% là mức tăng cao hơn so với nhận định của các chuyên gia, qua đó sẽ tạo đà tăng trưởng các quý còn lại. Tuy nhiên, nhiều dự báo tăng trưởng càng về cuối năm sẽ khó khăn, nên để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024, các giải pháp tập trung ưu tiên trong trước mắt là tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính của tăng trưởng.
‘‘Cùng với đó là vốn đầu tư công được xem như “mệnh lệnh” tăng trưởng cho các động lực khác; tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh và cải thiện năng suất lao động. Việc khơi thông các nhóm thể chế và môi trường pháp lý là những vấn đề then chốt giúp thành phố tiếp tục triển khai nhằm đạt được kết quả như kế hoạch năm 2024’’ – ông Hoàng nói.
6 giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 79.263 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên trên tổng số vốn này. Đây là thách thức rất lớn đối với toàn bộ chính quyền thành phố.
Để thực hiện hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức và các chủ đầu tư quán triệt thực hiện đồng bộ 6 giải pháp, nhiệm vụ đã được UBND thành phố giao, tại Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Trong đó, các sở, ban, ngành quận, huyện thực hiện linh động trong bố trí, điều chỉnh kế hoạch vốn, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án chậm tiến độ, bổ sung vốn kịp thời cho các dự án triển khai tốt; tập trung bố trí vốn cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm có tác động lan tỏa, không dàn trải để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đồng thời, chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện đẩy mạnh việc phân cấp ủy quyền cho các địa phương, trong đó đẩy mạnh việc giao các dự án của thành phố trên địa bàn các địa phương cho các đơn vị trực thuộc UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức làm chủ đầu tư, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các địa phương, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục hành chính, qua đó đẩy mạnh việc giải ngân vốn…
Số liệu cập nhật đến hết ngày 26/3/2024 do Kho bạc Nhà nước thành phố cung cấp cho thấy, tổng số vốn đã giải ngân là 2.487 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,1% trên tổng kế hoạch vốn giao. Qua tổng hợp kế hoạch giải ngân từ các chủ đầu tư, tổng số vốn giải ngân đến hết quý I dự kiến là 5.600 tỷ đồng, đạt tỷ lệ quý I dự kiến 7,1%.