TP Hồ Chí Minh mở cao điểm xử lý vấn nạn karaoke kẹo kéo: Luật quy định ra sao về việc đo tiếng ồn?
Theo lãnh đạo UBND TP HCM, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề đã tồn tại khá lâu và đặc biệt gây bức xúc trong thời gian gần đây, vì vậy TP thống nhất chủ trương mở đợt cao điểm xử lý từ nay đến cuối năm.
Vấn nạn “thi nhau mở loa công suất cao gây ô nhiễm tiếng ồn”
UBND TP HCM vừa tổ chức cuộc họp với các sở, ban ngành, quận, huyện để nghe báo cáo và tìm giải pháp xử lý vấn nạn tiếng ồn trong khu dân cư.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ, trong giai đoạn 2019-2020, TP đã xử phạt 141 trường hợp vi phạm tiếng ồn tại 17 quận, huyện với số tiền xử phạt hơn 818 triệu đồng. Trong số này, chỉ có 20 trường hợp là vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt tại khu dân cư.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, Nhà nước tôn trọng quyền tự do kinh doanh, làm ăn hợp pháp của người dân và thành phần kinh tế. “Tuy nhiên, thực tế, các hàng quán, cửa hiệu ven đường dường như có sự ganh đua trong giới thiệu mặt hàng, sản phẩm nên thi nhau mở loa công suất cao gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến người dân. TP là đô thị đặc biệt nên không chấp nhận được việc này”.
Ông Hoan cho biết, quan điểm của lãnh đạo TP là quyết tâm xử lý nghiêm túc tiếng ồn trong khu dân cư theo đúng quy định pháp luật. Lâu nay các cấp chính quyền TP vẫn xử phạt vi phạm về tiếng ồn, nhưng chưa thực sự làm tốt.
Phó Chủ tịch UBND cho biết pháp luật đã có các căn cứ để xử lý ô nhiễm tiếng ồn, nhưng cơ quan chức năng còn chưa hiểu hết các quy định và cách xử lý, cũng như trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Bên cạnh đó, một số cơ quan còn cho đây “là chuyện thường ngày, không phải việc của mình”.
Từ đó, ông Hoan yêu cầu khi tổ chức thực hiện, cần triển khai toàn diện trên nhiều mặt. Thứ nhất, đặt mục tiêu tuyên truyền là số một, là việc cần làm đầu tiên; vận động người dân, DN, nhà kinh doanh để hiểu và cùng nhau cam kết thực hiện. Tiếp theo, phải triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ từ TP xuống cơ sở, phải có sự phối hợp giữa các cơ quan, thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Ngoài ra, một số cơ quan chức năng khi bàn và xử lý vấn nạn này đều thiên về hướng có máy đo để xác định mức độ ô nhiễm tiếng ồn. Ông Hoan nói: “Lấy lý do không có máy đo để buông không quản lý là không đúng. Lấy cái đó để nói về kiểm tra, kiểm soát trong phòng kín còn được, chứ mang ra chỗ công cộng thì lấy gì mà đo?”.
UBND TP chủ trương thống nhất mở đợt cao điểm từ nay đến cuối năm để xử lý vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn. Xử lý triệt để và kết thúc trong cuối năm 2021, không để vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sự bình yên của TP. Giai đoạn 1: Từ nay đến cuối tháng 5, tập trung tuyên truyền nhắc nhở người dân, các cơ sở kinh doanh; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan xử lý tiếng ồn. Giai đoạn hai, từ tháng 6 đến cuối năm, tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi gây tiếng ồn từ karaoke theo các Nghị định liên quan gồm 100, 167, 155 và 98. "Quy định có hết rồi, quan trọng là sự phối hợp và không được lấy lý do thiếu người hay thiết bị đo nữa. Phải xử lý nghiêm vì cái chung", ông Hoan nói.
Căn cứ pháp luật nào?
Vậy pháp luật quy định như thế nào là vi phạm về tiếng ồn? LS Phạm Hoài Nam (Đoàn LS TP HCM), cho biết: Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu hát karaoke, gây tiếng động, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100 – 300 ngàn đồng với cá nhân vi phạm (nếu là tổ chức thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền gấp đôi).
Với trường hợp “dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền” thì bị xử phạt từ 300 – 500 ngàn đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. “Hình thức phạt này theo tôi nên được áp dụng đối với những cửa hàng kinh doanh mở loa công suất lớn để quảng bá, quảng cáo, lôi kéo khách hàng”, LS Nam nêu.
Theo LS Nam, trong trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, hát karaoke gây tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 10 dBA sẽ bị phạt tiền 1-20 triệu đồng với cá nhân vi phạm (gấp đôi với tổ chức vi phạm). Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đồng với cá nhân vi phạm (gấp đôi với tổ chức). Đồng thời, nếu vi phạm trong trường hợp này sẽ bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở đến 6 tháng.
Tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt tiền 100-160 triệu với cá nhân (gấp đôi với tổ chức), đồng thời đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm 6-12 tháng.
“Tuy nhiên, có một vấn đề đang gây khó khăn trong việc xử phạt theo Nghị định 155. Tại văn bản này, quy định việc đo tiếng ồn phải được thực hiện bởi đơn vị có chức năng (được Bộ TN&MT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường), không đề cập đến phương tiện đo đạc khác, đồng thời không giao chủ tịch UBND cấp xã, phường được xử phạt hành vi này. Vấn nạn tiếng ồn xảy ra trong khu dân cư tại TP hiện nay xuất phát từ các khu dân cư trong phạm vi quản lý của phường, xã do người dân tự hát karaoke, các cơ sở kinh doanh mở bằng loa kẹo kéo. Do đó, việc áp dụng Nghị định này xuống từng địa phương có thể khiến cán bộ gặp khó khăn”, LS Nam nói.
Hát karaoke kẹo kéo đúng luật thì không có tội:
Cũng theo LS Nam: “Tôi nhận thấy thời gian gần đây, khi nhắc đến karaoke kẹo kéo, một số trang mạng thiên về hướng khai thác khía cạnh xấu xí. Tôi cho rằng cần phản ánh khách quan.
Thứ nhất, chúng ta có những quy định cụ thể về xử lý các trường hợp sử dụng loa kẹo kéo cả ban ngày, lẫn ban đêm. Vướng mắc việc đo tiếng ồn thì bổ sung được, dễ vì nhiều thiết bị điện tử, điện thoại thông minh hiện nay cho phép đo tiếng ồn, chỉ cần cơ quan chức năng ban hành văn bản quy định cụ thể phương tiện.
Thứ hai, văn hóa ca hát từ đồng ruộng đến trong nhà, các lễ hội, các đám tiệc, vui chơi là món ăn tinh thần của con người, mang lại cho cuộc sống một cách giải trí lành mạnh nên đừng quy chụp cứ karaoke là xấu.
Thứ ba, người nghèo, người lao động làm sao có đủ tiền mà vào những nơi được phép kinh doanh karaoke hoặc tự xây phòng karaoke riêng để ca hát.
Thứ tư, một thành phố, một đô thị nơi mà người dân vui tươi ca hát ở các góc phố, nẻo đường, tất nhiên đừng hát gây “kinh thiên động địa” ô nhiễm tiếng ồn, mới là một thành phố có sức sống”.
Chúng ta cần quản lý đúng luật chứ không được thiên kiến, quy chụp, sai luật. Quan trọng hơn nữa là ý thức, văn hóa mỗi người dân. Vui vẻ ca hát sao cho đủ nghe, đủ vui, tránh ảnh hưởng người xung quanh”.