TP Hồ Chí Minh mong muốn có quy chuẩn PCCC đặc thù để đáp ứng nhu cầu thực tế
Ngày 2/11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 11/9/2017 , Chỉ thị số 04 ngày 29/3/2018 của UBND TP và quán triệt triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy về tăng cường công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới...
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 năm qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 1.532 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 171 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 85,36 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn xảy ra 2.142 vụ cháy thuộc diện không phải thống kê.
Với 2 chỉ thị quan trọng trên, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và duy trì chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, khu dân cư trên địa bàn thành phố; tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, PCCC và CNCH đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn thành phố.
Trên địa bàn thành phố hiện có 1.612.828 nhà ở hộ gia đình, có 79.663 nhà ở kết hợp; có 2.003 khu dân cư, (trong đó 430 khu dân cư nguy hiểm về cháy, nổ). Trong 5 năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an các quận huyện, TP Thủ Đức đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho gần 2 triệu người là thành viên hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Y thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC của chủ hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được nâng lên, nhiều nơi người dân đã tự trang bị các bình chữa cháy, các thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho gia đình. Một số hành vi vi phạm đã được nhân dân phát hiện và tố giác kịp thời, số vụ thông tin báo cháy giả đã được giảm đáng kể.
Ngoài ra, Công an các địa phương đã xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động 3.226 tổ liên gia an toàn về PCCC và 3.325 điểm chữa cháy công cộng. Nhà ở kết hợp với kinh doanh đã có 69.714 căn mở lối thoát hiểm thứ 2, gần 77 ngàn cơ sở trang bị bình chữa cháy, các dụng cụ thoát nạn. Nhà ở riêng lẻ đã có gần 1,3 triệu căn có lối thoát hiểm thứ 2.
TP Hồ Chí Minh có 1049 nhà chung cư, trong đó có 531 chung cư vẫn còn tồn tại vi phạm PCCC như không có đường giao thông phục vụ chữa cháy, không có giải pháp ngăn cháy, không đủ điều kiện thoát nạn, hệ thống PCCC không hoạt động, chưa nghiệm thu PCCC đã đi vào hoạt động. Trong quá trình sinh sống, kinh doanh, nhiều người dân tại một số nhà chung cư, nhà cao tầng đã tự ý cơi nới, hành lang, lối đi chung...bị xâm lấn.
Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính phần lớn còn chưa cương quyết, mức phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe.
Đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, so với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy giảm nhưng số người chết lại tăng. Đa phần các vụ cháy xuất phát từ nguyên nhân chập điện và xảy ra tại nhà ở kết hợp với kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Công an TP Hồ Chí Minh, các sở ban ngành liên quan cần tập trung thực hiện tốt 2 chỉ thị trên của UBND TP trong công tác PCCC và CNCH để hạn chế những vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
“Đề nghị Bộ Công an tham mưu Chính phủ cho phép TP Hồ Chí Minh ban hành và áp dụng các quy chuẩn PCCC đặc thù để điều chỉnh công tác PCCC trên địa bàn thành phố phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố” - Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu đề xuất.