TP. Hồ Chí Minh: Muốn phát triển nhanh cần có sự đột phá

Phát biểu tại buổi tọa đàm 'Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát triển' diễn ra ngày 16/5, do Báo Người lao động tổ chức, các chuyên gia gia, diễn giả, nhà quản lý cho rằng, TP. Hồ Chí Minh muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế...

Toàn cảnh một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Toàn cảnh một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Nhiều khó khăn thách thức

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bộ, ngành trung ương và TP. Hồ Chí Minh (HCM) đều cho rằng, việc tiếp tục góp ý vào dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, được kỳ vọng tạo sức bật, chắp cánh cho thành phố phát triển đột phá, lan tỏa cho vùng và cả nước.

Đánh giá, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I/2023 của TP.HCM, các đại biểu cho rằng chưa như mong muốn khi GRDP chỉ đạt 0,7%, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước. Tốc độ tăng trưởng chậm dần khiến vai trò đầu tàu của TP.HCM có phần giảm. Dự báo trong quý II/2023 và những quý tiếp theo của năm 2023, kinh tế TP.HCM tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường.

Do vậy, để vực dậy kinh tế TP.HCM, bên cạnh nỗ lực của thành phố, của từng ngành, từng lĩnh vực rất cần sự hỗ trợ từ phía trung ương, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ vướng mắc thể chế, cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đủ mạnh.

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM chỉ rõ, TP.HCM là đầu tàu cả nước nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố đang còn nhiều chuyện cũ chưa được giải quyết thì những vấn đề lớn mới phát sinh. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách còn nhiều chuyện phải bàn.

Theo bà Thảo, cần phải tháo gỡ ngay vấn đề thể chế, pháp luật để pháp luật không chung chung, chồng chéo.

Theo bà Phạm Phương Thảo, địa phương mạnh dạn đề xuất nhưng "trái bóng" thuộc về trung ương. Do đó, bà hy vọng trong thời gian tới, khi nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54 được thông qua sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho TP.HCM.

Về lâu dài, bà Phạm Phương Thảo kiến nghị nên có Luật Đô thị đặc biệt dành cho TP.HCM, có như vậy mới tháo gỡ được những vấn đề căn cơ của một siêu đô thị.

Theo TS. Trương Minh Huy Vũ- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, các dự báo đều cho thấy tình hình kinh tế khó khăn, thể hiện nhiều dấu hiệu, khía cạnh.

Tuy nhiên, đề cập mức tăng trưởng 0,7% của TP.HCM trong quý I/2023, TS. Trương Minh Huy Vũ cho rằng, đây là hệ quả của một quá trình dài, cần đặt trong bối cảnh 5 năm hoặc 10 năm gần đây của TP.HCM để có cái nhìn đa chiều; cần thấy đây là thực trạng và là căn cơ của TP.HCM sau nhiều bối cảnh bị nghẽn.

Đột phá” cho TP.HCM cũng là cho cả nước

Đề cập đến nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương cho rằng, vấn đề đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức.

"Vấn đề của TP.HCM không chỉ là của thành phố mà phải xác định đây là vấn đề của cả nước. Cơ chế, chính sách đột phá cho TP.HCM là cho cả nước. Bởi TP.HCM gánh trên vai sứ mệnh đầu tàu cả nước, đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì kéo cả đoàn tàu đi lên" - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương. Ảnh: CTV

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương. Ảnh: CTV

Cũng theo ông Thiên, vấn đề thứ 2 là gỡ vướng cho TP.HCM. Việc này là cần thiết nhưng phải tập trung cao hơn, tầm nhìn tốt hơn để tháo gỡ những vấn đề căn cơ.

Theo ông, hiện nay có tâm lý không dám hành động do vướng quá nhiều nên không dám làm. "Chúng ta cần nhận diện để giải quyết vấn đề dài hạn. Đây là thời điểm mang tính cơ hội, mở ra tầm nhìn khác để TP.HCM lấy lại vị thế, tăng trưởng" - ông Thiên nói.

PGS-TS Trần Đình Thiên đưa ra quan điểm, TP. HCM là đầu tàu nhưng suốt 15 - 20 năm chưa có được những sự thay đổi căn bản. TP. HCM đề xuất nhiều cái rất hay nhưng ít được áp dụng, như là mô hình chính quyền đô thị. TP.HCM cần phải loại bỏ ngay suy nghĩ "xin – cho", "ơn huệ".

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận tình hình hiện nay vẫn còn rất khó khăn và nhiều rủi ro. Thứ nhất là rủi ro về thị trường nội địa rất lớn. Thị trường yếu từ khi dịch Covid-19 đến nay, không được cải thiện. Trong khi đó, thị trường thế giới cũng liên tục biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Rủi ro thứ 2 là về chính sách. Thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng có điều là một số chính sách vừa thông qua lại sửa ngay. "Rủi ro chính sách nằm ở khâu rất cơ bản là thực thi chính sách. Muốn tháo gỡ cái này khó lắm" - ông Thiên nói. Rủi ro thứ 3 là biến đổi khí hậu.

Theo ông Thiên, kinh tế TP.HCM suy yếu về vị thế dù nội lực vẫn dồi dào. Những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng lên (giao thông, ngập nước, tắc nghẽn hạ tầng…), những động lực mới không được đưa ra. Do đó, phải tạo ra những đột phá, động lực mới cho TP.HCM. Ngay bây giờ là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP.HCM và thành phố xứng đáng được điều đó.

Ngoài ra, ông Thiên cũng đặc biệt lưu ý là TP.HCM muốn đột phá là phải có những dự án đột phá cùng với đột phá về thể chế. Theo ông, những trung tâm lớn luôn có tính mở, tính hội nhập, như Singapore, Thượng Hải tự biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế…

Bên cạnh đó, ông Thiên cũng đề xuất TP.HCM (Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai – Bình Dương - TP. HCM) thành cụm đi đầu về mặt thể chế, trung tâm thử nghiệm thể chế cho cả nước. Có như vậy rủi ro sẽ giảm đi và cộng hưởng sức mạnh của vùng tăng lên, khả năng bứt phá cao hơn rất nhiều.

Còn theo TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, TP.HCM phải là nơi thu hút để có những "đại bàng" trong từng lĩnh vực. Vì vậy, trong nghị quyết thay Nghị quyết 54 có đề cập nội dung sẽ thu hút những doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở từng lĩnh vực tham gia, trong đó có cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. TP.HCM ý thức nếu không thu hút được những nhà đầu tư đủ tầm quốc tế sẽ khó bứt phá.

"TP.HCM muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước này. Có thể có những dự án đột phá như cảng trung chuyển Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại nữa để kéo thế giới vào đây. Các yếu tố này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn" - ông Thiên gợi ý và nhấn mạnh.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-muon-phat-trien-nhanh-can-co-su-dot-pha-128004.html