TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao ý thức về hóa đơn trong kinh doanh xăng dầu
Dù đã có quy định buộc phải xuất hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng kể từ ngày 1/7/2022, nhưng tại TP. Hồ Chí Minh hiện mới chỉ có một số ít doanh nghiệp xăng dầu thực hiện quy định này. Theo khuyến nghị của lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, nếu sau tháng 12/2023, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định.
Mới có 2 doanh nghiệp xăng dầu chấp hành
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, cho biết theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022, 100% doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trên cả nước đều đã chuyển đổi sang thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định của Luật Quản lý thuế. Riêng về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tại điểm i, khoản 4 điều 9, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ đã quy định về thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là ngay sau khi kết thúc việc bán.
Nhiều lợi ích khi kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, việc kết nối HĐĐT từ máy tính tiền với cơ quan thuế sẽ giúp doanh nghiệp xăng dầu có thể lập được HĐĐT ngay cho khách hàng kể cả ngoài giờ hành chính hay đêm khuya do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế chính là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định; có thể chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được truyền dữ liệu đến cơ quan thuế định kỳ trong ngày xuất bán, chậm nhất vào cuối ngày mà không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường. Ngoài ra, tại một điểm bán, tức cây xăng, có thể thiết lập nhiều máy tính tiền (POS) theo quy định để xuất HĐĐT ngay cho khách hàng nhanh và tiện lợi.
Về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành 2 công điện (Công điện số 1123/CĐ-CP ngày 18/11/2023, Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 1/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu); Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 24/11/2023 và Công văn số 13348/BTC-TCT ngày 4/12/2023; Tổng cục Thuế cũng đã ban hành 2 công văn (số 5080/TCT-DNL ngày 13/11/2023 và số 5468/TCT-DNL ngày 5/12/2023) và Công điện số 10/CĐ-TCT ngày 19/12/2023 về quyết liệt triển khai hiệu quả việc lập HĐĐT đối với xăng dầu. Trong khi đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Công văn số 5966/UBND-KT ngày 29/11/2023 giao các các sở, ban ngành thành phố phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Cục Thuế thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, quản lý, sử dụng HĐĐT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý thuế và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp có quy định sử dụng hóa đơn điện tử mà không thực hiện.
‘‘Số liệu thống kê cho thấy, toàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 240 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, với 548 cửa hàng và 4.277 cột bơm. Tuy vậy, mới chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Sài gòn Petro) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với 89 của hàng áp HĐĐT theo từng lần bán hàng'' - ông Dũng cho biết.
Sẽ xử phạt kể từ tháng 1/2024
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, việc chuyển đổi khi lập HĐĐT là yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để thực hiện đúng quy định pháp luật. Do đặc điểm của bán lẻ xăng dầu là hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng, có thời gian hoạt động liên tục 24/7, giá trị trên từng hóa đơn của từng lần bơm xăng không lớn nhưng với số lượng, tần suất nhiều, nên việc áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối truyền dữ liệu đến cơ quan thuế mang lại lợi ích vượt trội, thiết thực cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Việc kết nối cũng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng cần hóa đơn để tham dự chương trình “Hóa đơn may mắn” định kỳ hàng quý do cơ quan thuế tổ chức, vì trên HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có thông tin về căn cước công dân trong trường hợp người mua hàng chưa có mã số thuế hoặc không nhớ mã số thuế cá nhân. Nói chung, khi số hóa trong hoạt động bán lẻ xăng dầu thì chỉ mất chi phí đầu tư ban đầu, nhưng được gia tăng giá trị từ quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi thường xuyên về chi lương cho nhân sự tại các cây xăng. Cơ quan thuế cũng đặc biệt cảnh báo rủi ro khi doanh nghiệp xăng dầu không thực hiện đúng quy định về xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng.
‘‘Cục Thuế yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về HĐĐT theo từng lần bán hàng và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND thành phố. Bởi theo lộ trình, việc triển khai phải hoàn tất trong tháng 12/2023. Sau thời gian này, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định’’ - ông Dũng khuyến nghị.
Tập huấn thực hiện quy định xuất hóa đơn từng lần bán trong kinh doanh xăng dầu
Nhằm quán triệt đầy đủ, kịp thời quy định của pháp luật về HĐĐT đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là quy định về lập HĐĐT sau từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 22/12, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tập huấn lập HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Tại hội nghị, công chức Cục Thuế thành phố đã giới thiệu các quy định của pháp luật về HĐĐT đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu, quy định về xử lý vi phạm đối với các hành vi phạm trong lĩnh vực hóa đơn. Các doanh nghiệp, nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ HĐĐT cũng trình bày các giải pháp và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện xuất HĐĐT từng lần bán hàng. Hội nghị cũng nghe đại diện các doanh nghiệp đã triển khai thành công việc xuất hóa đơn sau mỗi lần bán chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện quy định này.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chấp hành nghĩa vụ thuế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ luôn lắng nghe, ghi nhận những vướng mắc của các doanh nghiệp xăng dầu trong quá trình triển khai và tổng hợp những kinh nghiệm hay để chia sẻ tới doanh nghiệp.
Lãnh đạo cơ quan thuế đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND thành phố, các quy định của pháp luật về xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng; đồng thời mong muốn các sở ban, ngành gồm: Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường, Công an thành phố… đồng hành cùng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh trong việc tuyên truyền, hỗ trợ và kiểm tra, thanh tra, quản lý, sử dụng HĐĐT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý thuế và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp có quy định sử dụng hóa đơn điện tử mà không thực hiện…
‘‘Các nhà cung cấp giải pháp về HĐĐT cũng cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện ưu đãi, hỗ trợ về chi phí để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể lựa chọn phương án tối ưu nhất đáp ứng điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp…’’ - ông Dũng nói.