TP Hồ Chí Minh: Người dân khai báo thông tin di biến động tại tất cả các chốt kiểm soát
Ngày 15/8, Công an TP Hồ Chí Minh triển khai cho người dân khai báo thông tin di biến động khi ra vào tất cả các chốt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ghi nhận tại nhiều chốt kiểm soát sáng 15/8, người dân đã cơ bản nắm được thông tin và thực hiện. Tuy nhiên, một số điểm chốt khu vực nội thành, nhất là tại một số điểm chốt ở khu vực quận Bình Thạnh có tình trạng ùn ứ người và phương tiện tập trung đông để thực hiện khai báo.
Ghi nhận tại chốt kiểm soát cấp thành phố trên đường Quốc lộ 1A (chân cầu vượt Sóng Thần, giáp tỉnh Bình Dương), giao thông qua chốt thông thoáng. Nhiều người dân đã nắm được thông tin về khai báo thông tin di biến động nên đã chuẩn bị từ trước để thuận lợi qua chốt.
Anh Lê Duy Hiển (lái xe tải, ngụ Quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết, do bản thân đi làm mỗi ngày nên đã nắm được thông tin và khai báo trước để đưa cho cán bộ tại chốt kiểm tra. Anh cho rằng việc này giúp kiểm soát chặt chẽ hơn trước tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người chưa nắm được thông tin này nên phải khai báo tại chốt. Anh Lê Phúc Đức (làm việc tại Bệnh viện Hạnh Phúc - tỉnh Bình Dương) cho biết: "Việc này tốt vì người ta đi đến chỗ nào, tới đâu đều có thông tin chính xác, cập nhật tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, với những người không rành công nghệ thông tin như mình thì hơi phức tạp".
Tại một số tuyến đường thuộc trung tâm Thành phố như Quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình… lực lượng chức năng đã lập thêm rào chắn ngăn đường ở Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Thủ, Phùng Khắc Hoan (Quận 1); các tuyến đường Paster, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3)... Đồng thời, tăng cường các lực lượng chốt gác, hướng dẫn, kiểm tra tại các điểm trên tuyến đường chính như Võ Thị Sáu, Cách mạng tháng 8 (Quận 3), Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1); Điện Biên Phủ, Lê Văn Duyệt, Nơ Trang Long, Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh)…
Tham gia trực chốt trên tuyến đường Vườn Chuối, Quận 3, anh Nguyễn Văn Ngọc cùng các thanh niên tình nguyện cũng bày tỏ đồng tình ủng hộ khi mọi người thực hiện các yêu cầu đảm bảo phòng, chống dịch. “Nếu mọi người thực hiện tốt các quy định sẽ giữ an toàn cho chính bản thân và gia đình của từng người, từ đó công tác phòng, chống dịch đạt được hiệu quả cao, Thành phố sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh”, anh Ngọc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại các chốt kiểm soát trong nội thành, tình trạng ùn ứ vẫn diễn ra. Tại chốt kiểm soát trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), các cán bộ chiến sỹ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Bình Thạnh rất vất vả để kiểm tra mã QR và giấy tờ của người dân. Nhiều người dân do chưa nắm được thông tin nên đã phải dừng lại để thực hiện khai báo xong mới được đi qua chốt, một số người phải thực hiện khai báo bằng giấy nên mất khá nhiều thời gian, gây ùn ứ tại các điểm chốt này.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, để khai báo thông tin, người dân truy cập vào Hệ thống quản lý tờ khai y tế theo địa chỉ website: https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc quét mã QR code để vào biểu mẫu khai báo y tế (lưu ý: Không dùng ứng dụng Bluezone để quét mã QR này). Sau đó, người dân điền chính xác thông tin vào các ô trong biểu mẫu khai báo (ô có dấu sao “ * ” biểu thị việc bắt buộc phải nhập) rồi nhập mã xác thực vào ô cuối cùng của biểu mẫu khai báo và nhấn nút “Gửi đi”. Người dân chờ cho đến khi màn hình xuất hiện thông báo mã QR code thì chụp lại màn hình hoặc chọn để lưu mã. Khi lưu thôngtrên đường, người dân xuất trình mã QR code cho cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin kèm theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
Đối với trường hợp người dân không có điện thoại thông minh để khai báo, cán bộ tại chốt sẽ phát phiếu khai báo y tế cho người dân để khai. Sau khi kê khai, cán bộ kiểm tra, đối chiếu thông tin với chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người dân.
Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định: Toàn bộ dữ liệu người dân khai báo và dữ liệu dân cư cũng như lịch sử di chuyển của người dân đều được Bộ Công an bảo đảm tuyệt đối bí mật. Các trường hợp người nhiễm bệnh có lịch trình di chuyển và tiếp xúc phức tạp, khi có yêu cầu của Bộ Y tế, Bộ Công an sẽ phối hợp trong công tác truy vết y tế để bảo đảm có phương án xác định và cách ly kịp thời.