TP.Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng đầu tư công
Sáng 24/8, Thường trực HĐND TP.Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố. Tại phiên họp, 8 nội dung đề nghị giải trình, 7 giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng đầu tư công đã được đưa ra bàn thảo kỹ tại phiên họp nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch, đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả ở mức cao nhất.
Nhiều hạn chế trong thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công
Theo UBND TP.Hồ Chí Minh, năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được HĐND thành phố (TP) thông qua là 35.516,968 tỷ đồng; UBND TP đã giao kế hoạch vốn là 29.464,008 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 12/8/2022, TP mới giải ngân đạt tỷ lệ 29% so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn TP có tiến độ giải ngân chậm.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hồ Chí Minh Lê Trương Hải Hiếu cho biết, để chuẩn bị cho phiên họp giải trình này, Ban Kinh tế - Ngân sách TP đã tổ chức 16 cuộc khảo sát tại 21 đơn vị và 5 dự án. Bên cạnh việc đảm bảo về chủ trương, phù hợp quy định, quy hoạch và kế hoạch phát triển, Ban Kinh tế - Ngân sách TP cũng nhận thấy còn một số hạn chế nhất định trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; việc lập, trình phê duyệt kế hoạch đầu tư cũng như triển khai, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, trong đó có nhiều dự án giải ngân 0 đồng.
Theo đó, 8 vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế cần tháo gỡ, khắc phục đã được đưa ra giải trình, bàn thảo sâu, kỹ bao gồm: công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với thực tiễn dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm từ nguồn vốn ngân sách TP được UBND TP giao còn chậm, tác động đến việc triển khai dự án của chủ đầu tư; công tác thẩm tra quyết toán vốn đầu tư một số dự án hoàn thành còn chậm, giải pháp nào cho vấn đề này; giải pháp để hấp thu được 100% vốn từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và nâng tỷ lệ giải ngân từng năm đạt trên 95% theo quy định của Luật Đầu tư công trong kế hoạch trung hạn còn lại giai đoạn 2023 - 2025; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) trên địa bàn TP; giải pháp để bổ sung vốn cho các công trình dở dang, khắc phục tình trạng lãng phí; giải pháp khắc phục tình trạng số cơ sở nhà đất (công) trên địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức chưa được xử lý hoặc sử dụng đúng mục đích.
Đặc biệt, tiến độ công tác GPMB phụ thuộc lớn vào sự đồng thuận của người dân và mất nhiều thời gian để vận động, thuyết phục, dẫn đến kéo dài tiến độ thực hiện dự án, nhất là giá đất tính bồi thường, hỗ trợ theo quy định luôn thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến phát sinh khiếu nại. Khi giá bồi thường được duyệt thì vướng đơn giá xây dựng không bố trí đủ nên không thể triển khai. Đây là vướng mắc lớn trong thực hiện đầu tư công có đất đai, rất cần quan tâm, tháo gỡ.
7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của TP. Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ giao là 142.557 tỷ đồng, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn của TP. Do đó, UBND TP xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp của TP để nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, TP đã bố trí kế hoạch theo đúng Luật Đầu tư công và các nghị định, hướng dẫn có liên quan; phù hợp đúng nguyên tắc, định hướng đã được HĐND TP thông qua. Nguồn vốn ngân sách tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng đã phát huy nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, TP xem công tác thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thống nhất với những hạn chế, tồn tại HĐND TP chỉ ra, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu ra 07 giải pháp chính để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đầu tư công trong thời gian tới.
Thứ nhất, phải tăng cường, thường xuyên đôn đốc chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, TP Thủ Đức, các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình.
Thứ hai, tổ chức hiệu quả các hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng; lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ.
Thứ ba, phải linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định và đủ điều kiện để bố trí vốn.
Thứ tư, thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận, huyện, thành phố không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất.
Thứ năm, tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư để đảm bảo đầu tư tập trung, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán.
Thứ sáu, chủ động cân đối các nguồn vốn từ đầu năm, các nguồn vốn được bổ sung hàng năm đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống an sinh xã hội của TP.
Cuối cùng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công./.
Từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, TP.Hồ Chí Minh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng vốn đầu tư ngân sách TP là 302.839,6 tỷ đồng gồm 869 dự án nhóm C, 1.074 dự án nhóm B và 06 dự án nhóm A. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2020, 521 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 – 2015 và 1.278 dự án khởi công mới. Giai đoạn 2021 – 2025 có 1.191 dự án (không bao gồm các dự án thực hiện theo hình thức PPP và ODA) chuyển tiếp từ giai đoạn trước và UBND TP đã trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án nhóm A.