TP Hồ Chí Minh: Nhiều sai phạm trong bồi thường ở dự án nâng cấp Quốc lộ 50
Kết luận thanh tra khẳng định nhiều nội dung người dân tố cáo Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh (Ban bồi thường) là đúng.
Thanh tra TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kết luận thanh tra (KLTT) việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BT-HT-TĐC) các dự án trong năm 2016; Công tác BT-HT-TĐC tại dự án trên Quốc lộ 50 trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Việc thanh tra đối với dự án nâng cấp Quốc lộ 50 trên địa bàn huyện Bình Chánh, được tiến hành theo mốc thời gian từ khi được phê duyệt cho đến thời điểm thanh tra. Theo đó, dự án nâng cấp Quốc lộ 50, Ban bồi thường đã thực hiện giải ngân kinh phí bồi thường tính từ khi bắt đầu thực dự án cho đến ngày 31/8/2017, với tổng số tiền hơn 548,3 tỷ đồng (trong đó: chi bồi thường 481,6 tỷ đồng, mở sổ tiết kiệm 39,1 tỷ đồng, gửi tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước huyện Bình Chánh 27,4 tỷ đồng). Giải ngân kinh phí đạt tỷ lệ 95% so với kinh phí bồi thu đã nhận. Số kinh phí bồi thường chưa giải ngân (kinh phí còn tồn) tính đến ngày31/8/2017 là 28,1 tỷ đồng, là giải ngân nguồn kinh phí ngân sách nhà nước còn chậm theo kế hoạch.
Trong dự án này, có 485/729 trường hợp dự toán chi phí bồi thường cao hơn quyết định bồi thường (lần đầu) cho các hộ gia đình, cá nhân và 169/729 trường hợp dự toán chi phí bồi thường cao hơn đối với các trường hợp có quyết định bồi thường lần đầu và quyết định bồi thường bổ sung, nên việc xây dựng dự toán phí bồi thường đính kèm phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC là chưa chính xác, dẫn đến bức xúc của các hộ dân bị ảnh hưởng tại dự án và phát sinh khiếu nại.
Trong dự án nâng cấp Quốc lộ 50, một số hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án nên số tiền lãi suất phát sinh từ sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Chi nhánh Bình Chánh hơn 1,4 tỷ đồng. Hiện nay, Ban bồi thường đang quản lý, cần phải xem xét, xử lý theo quy định, không để tồn đọng.
Trong việc lập hồ sơ BT-HT-TĐC tại dự án, Ban bồi thường chậm lập phiếu chiết tính chi phí cho các hộ gia đình, cá nhân dẫn đến việc UBND huyện Bình Chánh chậm ban hành quyết định bồi thường đối với các hộ dân sau khi có quyết định thu hồi đất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân. Ngoài ra, Ban bồi thường cũng không xác định giới hạn thời điểm sử dụng nhà, đất kể từ sau ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 là trái với quy định. Bên cạnh đó có nhiều trường hợp trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở mà lại bồi thường, hỗ trợ theo loại đất vườn, ao hoặc đất nông nghiệp trong khu dân cư. Nhiều trường hợp nhà, đất có nguồn gốc do cha, mẹ sử dụng trước ngày 18/12/1980 (có thời điểm xây dựng nhà trước ngày 18/12/1980) cho lại con trong gia đình (tương phân) hoặc nhận chuyển nhượng trước ngày 18/12/1980, Ban bồi thường không căn cứ vào nguồn gốc, quá trình sử dụng nhà, đất để xem xét bồi thường theo đất ở. Rất nhiều trường hợp khác bị tính sai chi phí bồi thường, không được tính hỗ trợ lãi suất, không được nhận hỗ trợ khác. Đến nay vẫn còn 48 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp Quốc lộ 50 chưa được UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ.
Bản KLTT của Thanh tra TP còn chỉ ra sai phạm về trình tự, thủ tục lập hồ sơ BT-HT-TĐC tại dự án. Cụ thể, Ban Bồi thường lập biên bản kiểm kê hiện trạng sử dụng và tài sản bị ảnh hưởng trong dự án, các hộ gia đình, cá nhân lập phiếu kê khai nhà, đất và tài sản bị ảnh hưởng..., trước khi UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân. Quá trình lập phiếu chiết tính chi phí BT-HT-TĐC cho người dân để tham mưu, trình UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định bồi thường, Ban bồi thường đã không xem xét, xác minh nguồn gốc quá trình sử dụng nhà, đất của người dân đã được UBND xã xác nhận, dẫn đến việc tính bồi thường bổ sung nhiều lần, làm cho việc bồi thường, hỗ trợ cho dân bị kéo dài; đồng thời, việc không xem xét tính bồi thường loại đất ở theo các quy định của nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Có trường hợp nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm xây dựng nhà ở tương tự giống nhau, nhưng Ban bồi thường tính chi phí bồi thường theo từng loại đất giữa các hộ dân lại khác nhau, từ đó khiến người dân tố cáo.
Theo Thanh tra TP Hồ Chí Minh, những sai sót, khuyết điểm nêu trên thuộc về lãnh đạo Ban bồi thường, lãnh đạo Phòng TN&MT, các cá nhân được phân công, phụ trách giải quyết hồ sơ BT-HT-TĐC trong dự án nâng cấp Quốc lộ 50 tại thời kỳ xảy ra vụ việc. Trong đó, có trách nhiệm của UBND huyện Bình Chánh trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Từ những kết luận nêu trên, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND huyện Bình Chánh phải xem xét lại các nội dung tố cáo của người dân để có hướng giải quyết cho phù hợp trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật. Đồng thời rà soát lại nhiều trường hợp bị thu hồi đất tại 2 dự án (Dự án nâng cấp Quốc lộ 50; Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) để bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho người dân đúng theo quy định pháp luật.