TP Hồ Chí Minh phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025
Tính đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt hơn 8%, thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt, linh hoạt sử dụng đồng bộ các giải pháp, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025.

Hiện trạng nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức) đang được xây dựng. Ảnh: Nguyễn Lê
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp
Năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh được giao giải ngân hơn 85.500 tỷ đồng, bao gồm vốn Trung ương và địa phương. Báo cáo của Sở Tài chính thành phố ngày hôm nay, 20-5, cho thấy tính đến hết ngày 14-5, thành phố mới giải ngân đạt hơn 7.110 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch vốn được giao.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công một số dự án hạ tầng trọng điểm: Dự án thành phần 1, xây dựng đường Vành đai 3, đã giải ngân hơn 458 tỷ đồng/1.547 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 29,6%); dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, đã giải ngân hơn 79 tỷ đồng/1.180 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 6,7%); dự án xây dựng nút giao thông An Phú đã giải ngân hơn 20 tỷ đồng/330 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 6,3%); dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1), tại dự án thành phần 3 - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh, đến nay chưa thể giải ngân.

Đường Vành đai 3 (đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh) đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Nguyễn Lê
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hồ Chí Minh tính đến nay còn thấp. Để đạt mục tiêu giải ngân hơn 95%, thành phố phải rất nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, công tác giải ngân vốn đầu tư công bị ách tắc chủ yếu ở các dự án hạ tầng trọng điểm. Tại các dự án này, nút thắt lớn nhất lại nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Đơn cử, dự án xây dựng nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức), dự án mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh)… tỷ lệ giải ngân rất thấp do vướng giải phóng mặt bằng.
Nhiều dự án chủ đầu tư chưa hoàn tất hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; một số dự án trọng điểm chưa bàn giao mặt bằng, hồ sơ phức tạp, thời gian phê duyệt kéo dài hơn 90 ngày... cũng gây trở ngại trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh đang được hoàn thiện. Ảnh: Nguyễn Lê
Phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn
Cũng trong ngày hôm nay, 20-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố đã thực hiện phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, với tổng số vốn hơn 85.517 tỷ đồng. Thành phố phấn đấu đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư tập trung giải quyết thủ tục đầu tư các dự án có khả năng đẩy nhanh để giải ngân được số vốn lớn trong năm 2025. Đồng thời, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đang chậm thủ tục đầu tư với tinh thần quyết liệt, chủ động, để thúc đẩy việc giải ngân các tháng còn lại của năm 2025.
UBND thành phố cũng thực hiện nghiêm việc rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan; xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng; thay thế kịp thời những cá nhân yếu kém về năng lực, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.
Thành phố thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên tinh thần áp dụng linh hoạt, sáng tạo và đồng bộ các giải pháp. Thành phố cũng thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.
Thành phố giao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm; tăng cường hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy giải ngân, thực hiện cơ chế “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ chế tài.

Công nhân đang xây dựng tại một công trình giao thông của thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Lê
Bên cạnh đó, thành phố rà soát tiến độ thực hiện các dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch giải ngân, chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao; xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể từng quý, từng tháng cho từng dự án đối với từng chủ đầu tư; tiếp tục vận hành có hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý để theo dõi, đôn đốc việc giải quyết ngay đối với các hồ sơ, thủ tục các dự án đầu tư công. Đồng thời, kiên quyết xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu chậm tiến độ, chất lượng kém…