TP. Hồ Chí Minh phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, bền vững

TP. Hồ Chí Minh đang phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, bền vững, với trọng tâm xây dựng hệ sinh thái sản xuất linh hoạt, thân thiện môi trường.

Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi

Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được TP. Hồ Chí Minh xác định là ngành then chốt trong chiến lược phát triển công nghiệp hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza), từ năm 2021 đến nay, đã có 211 dự án CNHT được triển khai trong các khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.532,75 triệu USD. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế với 140 dự án, tổng vốn hơn 1.316 triệu USD. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư 71 dự án, tổng vốn 216,17 triệu USD. Cơ cấu này phản ánh sự chuyển biến rõ nét trong nỗ lực thúc đẩy nội lực công nghiệp của Thành phố.

Các ngành CNHT thu hút đầu tư chủ yếu gồm: cơ khí (43 dự án), điện tử (14 dự án), nhựa – cao su, phần mềm, dệt may phụ trợ và dịch vụ công nghiệp. Đây đều là những ngành có tiềm năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đóng góp vào định hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, CNHT hiện vẫn gặp nhiều khó khăn như thiếu mặt bằng sản xuất phù hợp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; khó khăn trong tiếp cận vốn, công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế; thiếu các cơ chế ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp nội địa hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật cao và công nghệ lõi.

Trước thực tế đó, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp chiến lược nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững cho CNHT:

Thứ nhất, quy hoạch và phát triển các phân khu CNHT trong các khu công nghiệp mới, điển hình như Khu công nghiệp Phạm Văn Hai. Thành phố cũng khuyến khích xây dựng mô hình nhà xưởng cao tầng, phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê với chi phí hợp lý.

Khu công nghiệp Cát Lái II

Khu công nghiệp Cát Lái II

Thứ hai, thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của 5 khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu gồm: Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái và Bình Chiểu theo hướng công nghiệp công nghệ cao, xanh và thân thiện môi trường; từng bước giảm dần các ngành thâm dụng lao động và tài nguyên.

Thứ ba, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghiệp hỗ trợ. Đây được xem là nền tảng pháp lý quan trọng để thúc đẩy kinh tế tư nhân và nâng cao năng lực sản xuất nội địa.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp CNHT, bao gồm ưu đãi đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, cải thiện môi trường sản xuất. Đồng thời, Thành phố cũng đang xem xét gia hạn thời gian hoạt động cho các khu chế xuất, khu công nghiệp đang trong giai đoạn chuyển đổi để bảo đảm điều kiện thu hút nhà đầu tư mới.

Với định hướng đúng đắn cùng sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền thành phố, các sở ngành và cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đưa công nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, tự chủ và bền vững.

Thạc Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tp-ho-chi-minh-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-theo-huong-hien-dai-ben-vung-10380973.html