TP. Hồ Chí Minh: Rút ngắn khoảng cách thu nhập

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và nay là TP. Hồ Chí Minh có một bộ phận người dân sống bằng nghề nông. Trải qua các giai đoạn phát triển lịch sử, khu vực nông thôn của thành phố liên tục thay đổi, và hiện đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới…

Kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, một bộ phận khá đông người dân ở TP. Hồ Chí Minh vẫn sống bằng nghề nông. Thời ấy, cuộc sống của đa số nông dân đều nghèo khó, do đất xấu, lại nhiễm hóa chất từ đạn bom, khiến cây trồng, vật nuôi đều cho năng suất thấp. Kể từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được phát động, cuộc sống của nhà nông ở TP. Hồ Chí Minh đã thay đổi nhiều mặt cả về kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế...

Hoa lan là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp địa phương

Hoa lan là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp địa phương

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến hết năm 2020, vùng nông thôn của thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, định hướng phát triển lên đô thị nông nghiệp công nghệ cao.

Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, đại diện Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 10 năm qua, các cấp hội đã vận động hơn 4.400 hội viên, nông dân hiến hơn 2.840.000 m2 đất, đóng góp khoảng 143.000 triệu đồng và 163.000 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nâng cấp kênh mương.

Theo ông Hồ Xuân Diệu - Văn phòng Điều phối NTM TP. Hồ Chí Minh - tính đến nay, tại TP. Hồ Chí Minh có 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, riêng huyện Cần Giờ và Bình Chánh chỉ đạt 8/9 tiêu chí về NTM.

"Chỉ tính trong 5 năm gần đây (2016-2020), chương trình xây dựng NTM ở thành phố đã làm cho khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị dần thu hẹp" - ông Diệu đánh giá.

Cụ thể, thu nhập của người dân vùng nông thôn năm 2019 là 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 58,85% so với năm 2015 và tăng 172,32% so với năm 2010. Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm: Hiện nay, hộ nghèo của 56 xã còn 445 hộ có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống, chiếm tỷ lệ 0,1%/tổng hộ dân 56 xã. Chưa hết, năng suất lao động khu vực nông thôn đến năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng/người; năm 2015 đạt 102,6 triệu đồng/người; năm 2019 đạt 139,6 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2019 so với năm 2008 đạt 374,7%.

Diện mạo nông thôn mới tại huyện Củ Chi

Diện mạo nông thôn mới tại huyện Củ Chi

Nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, đưa giá trị sản xuất nông–lâm-ngư nghiệp năm 2019 đạt 21.160,9 tỷ đồng, tăng 6,19% so với năm trước. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, đạt 550 triệu đồng/ha/năm 2019, cao hơn 5 lần bình quân cả nước.

Góp sức vào Chương trình xây dựng NTM, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - thông tin, từ năm 2016 đến nay, chương trình kết nối tiêu thụ nông sản và kết nối liên kết sản xuất giữa "Hộ nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp" đã được tập trung thực hiện trên diện rộng. Qua đó, mỗi năm bình quân có 6.770 tấn rau, củ, quả; 547 tấn thủy sản được sản xuất theo chuỗi liên kết này. Chưa hết, đã có 587 phiên chợ nông sản an toàn được tổ chức với 11.056 đơn vị tham gia, kết nối tiêu thụ nông sản qua 200 hợp đồng, với giá trị 22,5 tỷ đồng/tháng.

Theo bà Trang, hiện tại thành phố đang tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tuy bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2020 một số sản phẩm nông nghiệp vẫn tăng so với cùng kỳ 2019, cụ thể sản lượng rau đạt 203.462 tấn, tăng 1,2%; các loại hoa, cây kiểng đạt 2.549 ha, tăng 12,5%.

Thời gian tới, để đưa các vùng nông thôn trở thành những địa danh sản xuất hàng hóa chất lượng cao, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành danh mục nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, gồm: Trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, hoa lan được xác định là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp; nhóm sản phẩm chăn nuôi gồm bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt) và nhóm sản phẩm thủy sản là tôm nước lợ và nuôi cá cảnh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều áp dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín, đạt chuẩn an toàn thực phẩm và liên kết chặt chẽ trong khâu tiêu thụ.

Ông Hồ Xuân Diệu đánh giá, Chương trình xây dựng NTM ở TP. Hồ Chí Minh chưa về đích đúng với mục tiêu đặt ra là do phát triển kết cấu hạ tầng của vùng nông thôn hiện nay chưa bắt kịp tốc độ phát triển về kinh tế-xã hội tại địa phương. Việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện rộng rãi. Trong đó, một bộ phận người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước và liên kết sản xuất chưa bền vững.

Chính quyền và người dân TP. Hồ Chí Minh phấn đấu thực hiện xây dựng NTM toàn diện, giúp cải thiện trực tiếp điều kiện sống, thay đổi tư duy và nếp sống của người dân nông thôn.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-rut-ngan-khoang-cach-thu-nhap-143243.html