TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Ngày 19/10, Bộ Y tế và Báo Tiền Phong phối hợp với Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức hội thảo 'Hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN'.

Nhiều tham luận có giá trị

Đến dự có Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Bác sĩ Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế; lãnh đạo các sở y tế: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế Trung ương và địa phương có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại địa bàn TP và khu vực phía Nam; ban giám hiệu các trường đại học đào tạo khối sức khỏe; sinh viên ngành y…

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu khai mạc hội thảo.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - Nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: “Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.

Việc tổ chức hội thảo nhằm góp phần cùng ngành y tế thực hiện thành công những mục tiêu đề ra. Bộ Y tế cùng Báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức hội thảo “Giải pháp hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.

Đại biểu tham dự hội thảo “Hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.

Đại biểu tham dự hội thảo “Hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.

Cũng theo nhà báo Lê Xuân Sơn, hội thảo hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề bức thiết hiện nay, giúp ngành y tế TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, tạo thế mạnh cạnh tranh với các nước trong khu vực. Bởi, thời gian qua nhiều bệnh nhân người Việt Nam có xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh và tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận, như: “Mô hình Viện - Trường đột phá trong đào tạo nhân lực và phát triển chuyên môn kỹ thuật”; “Phát triển kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm khu vực tại Trung tâm đột quỵ - TP Hồ Chí Minh”; “Công nghệ đột pháp giúp tầm soát sớm ung thư”; “Hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực y tế chuyên môn sâu”… của các PGS.TS.BS là lãnh đạo các bệnh viện, khoa trường đại học.

Xây dựng nhiều đề án để thực hiện nghị quyết Trung ương

Trong bài tham luận của mình, TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống y tế của TP bao gồm 129 bệnh viện (12 bệnh viện Bộ, ngành; 32 bệnh viện TP, 19 bệnh viện quận, huyện và 66 bệnh viện tư nhân), 21 trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức; 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn, hơn 8.000 phòng khám tư nhân cùng với mạng lưới cấp cứu ngoại viện…

Rất đông sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng dự hội thảo.

Rất đông sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng dự hội thảo.

Hệ thống y tế tư nhân tại TP ngày càng lớn mạnh, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế công lập và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hiện nay 66 bệnh viện tư nhân (toàn quốc có 335 bệnh viện tư nhân), chiếm khoảng 10% tổng số giường bệnh toàn TP, nhiều bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, đạt các chuẩn quốc tế về chất lượng và có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là người nước ngoài có nhu cầu chữa trị.

Thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngay trong năm 2023, Sở Y tế đã đề ra 7 giải pháp như hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện trường; phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở…

Và để thực hiện hiệu quả các giải pháp đưa TP sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe trong khu vực ASEAN, TP đã và đang xây dựng, triển khai 11 đề án y tế. Đơn cử, đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; đề án “Phát triển sức khỏe cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân TP giai đoạn 2021 - 2030”; đề án “Phát triển y tế chuyên sâu giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo”…

Đã ngang tầm thế giới trong hỗ trợ sinh sản

Hội thảo cũng nghe tham luận “Những thành tựu vượt bậc của điều trị hiếm muộn” của PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương. Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm) lần đầu tiên thực hiện và cho ra đời đứa bé trên thế giới vào năm 1976, và đến năm 1996 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ra đời tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Dược Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng trình bày tham luận “Hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực y tế chuyên môn sâu”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Dược Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng trình bày tham luận “Hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực y tế chuyên môn sâu”.

Đến nay, hệ thống hỗ trợ sinh sản tại Việt nam đã có 53 trung tâm. Thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam đạt hiệu quả cao (40% - 60%) ngang các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt chi phí điều trị tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới. Một trong những tiến bộ trong hỗ trợ sinh sản là các phác đồ kích thích buồng trứng. Nếu như những năm thập niên 90, mỗi chu kỳ chích thuốc kích thích buồng trứng người bệnh phải kéo dài cả tháng với trên dưới 40 mũi, thì hiện nay chỉ chích từ 10 -14 mũi trong vòng 10 - 14 ngày, nhờ đó việc thực hiện hỗ trợ sinh sản thuận tiện và thân thiện hơn.

Cũng theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, việc nuôi cấy phôi với hệ thống quan sát liên tục (time lapse) giúp cho việc đánh giá phôi được chính xác hơn so với việc đánh giá phôi bằng 1 hình ảnh vào các thời điểm, từ đó góp phần gia tăng tỉ lệ có thai và tỉ lệ sinh ra sống. Ngoài ra, cùng với sự phát triển di truyền y học, việc chẩn đoán di truyền phôi trước làm tổ đã giúp cho các trường hợp lớn tuổi, sẩy thai liên tiếp, bất thường di truyền... có thể sinh thiết phôi và chẩn đoán di truyền phôi, sàng lọc được những phôi khỏe mạnh để chuyển vào buồng tử cung giúp các cặp vợ chồng có thể thực hiện thiên chức làm cha, mẹ; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số, hạn chế việc chấm dứt thai kỳ do thai dị tật bẩm sinh liên quan đến bất thường di truyền từ lệch bội, đến đột biến gen.

Hay mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Việt Nam, với một hệ thống luật và các quy định hướng dẫn chặt chẽ đã giúp rất nhiều bệnh nhân thực hiện được thiên chức làm mẹ mà tưởng chừng như vô vọng, như: bệnh nhân bị bất sản tử cung, bị các bệnh của tử cung mà không thể giúp thai làm tổ (lạc nội mạc tử cung, tổn thương nội mạc tử cung hay các trường hợp bị các bệnh suy tim, suy thận giai đoạn cuối nếu mang thai sẽ ảnh hưởng đến tính mạng…

Ngoài ra, còn có kỹ thuật micro TESE đã giúp rất nhiều người chồng vô tinh có thể trích xuất được tinh trùng, từ đó làm thụ tinh trong ống nghiệm để có thể làm cha với chính tinh trùng của bản thân được lấy từ tinh hoàn. Kỹ thuật ROSI (round spermatic injection) đã trưởng thành tinh trùng non từ mô tinh hoàn để có thể thụ tinh trứng, nhờ đó giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn do vô tinh thực hiện thiên chức làm cha làm mẹ.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-se-tro-thanh-trung-tam-cham-soc-suc-khoe-khu-vuc-asean.html