TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc và tử vong vì Covid-19 giảm
Đây là thông báo được ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Chuyên trách, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo chiều 17/1.
Chợ đầu mối đảm bảo cung cấp hàng dịp Tết Nguyên đán
Chiều 17/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo ông Phạm Đức Hải, đến chiều 16/1, toàn thành phố có 511.988 ca mắc Covid-19, điều trị 3.631 người, trong đó có 75 trẻ dưới 16 tuổi, 270 bệnh nhân nặng đang thở máy, 17 ca thở ECMO.
“Từ ngày 12/1, số ca mắc Covid-19 nhập viện giảm xuống còn 275 ca và giảm dần trong những ngày sau đó. Đến hôm 16/1, giảm xuống tiếp, chỉ có 123 ca mắc mới. Số người tử vong vì Covid-19 trong ngày 12/1 là 19 người, 13/1 là 15 người nhưng đến 16/1 đã xuống còn 12 trường hợp. Mặc dù số ca mắc mới và ca tử vong giảm sâu trong những ngày qua, nhưng đề nghị người dân tiếp tục không được chủ quan, không lơ là, tiếp tục thực hiện tốt 5K, đặc biệt tiêm vaccine để giữ được thành quả đã đạt được trong những ngày qua” - ông Phạm Đức Hải nói.
Về tình hình hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Như Ngọc cho biết, hiện nay 3 chợ đầu mối trên địa bàn đã hoạt động ổn định. Lượng hàng dao động từ 8 - 9 tấn/ngày, gần như trở lại giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư (27/4/2021). Sở Công Thương đã làm việc với các đơn vị cung ứng hàng bình ổn, dự kiến trước 23 Tết lượng hàng sẽ tăng, đảm bảo nguồn hàng cho người dân thành phố.
Nói về các gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, đối với gói hỗ trợ đợt 3 theo Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 22/9/2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn, đến nay đã có 17/22 quận, huyện và TP Thủ Đức hoàn thành cơ bản 100%.
Một số phường, xã, thị trấn đã phát thư mời những người từng bị cách ly để điều trị Covid-19 tới phường nhận tiền. Hiện vẫn còn huyện Củ Chi, Bình Chánh và quận Bình Tân, Sở đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chi hỗ trợ bổ sung đợt 3 cho người dân trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Hỗ trợ tiền ăn cho người bị F0 mức 80.000 đồng/ngày
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lâm, đối với việc hỗ trợ cho nhóm trẻ em dưới 16 tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Cũng theo ông Lâm, đến nay Sở LĐTB&XH đã có hướng dẫn chi trả với mức 80.000 đồng/ngày.
Đối với những người mắc Covid-19, điều trị từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, được hỗ trợ mức 80.000 đồng/ngày, thời gian hỗ trợ tối đa không quá 21 ngày. Ngoài ra, trẻ em và người khuyết tật còn được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.
“Về việc người lao động, công nhân nghèo khó khăn ở lại thành phố trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Sở LĐTB&XH đã tổ chức 43 đoàn đi thăm tặng quà và chúc Tết. Ngoài ra, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố cũng tổ chức 11 hoạt động chăm lo Tết cho người lao động, như: Tham mưu cho người sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả lương - thưởng Tết; Chương trình Tết sum vầy; Tấm vé nghĩa tình; Thăm chủ nhà trọ tiêu biểu, người lao động tiêu biểu; Thăm các đơn vị làm việc tại nơi có môi trường khó khăn; Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng thành phố; Tổ chức phiên chợ online cho công nhân; Thăm và cám ơn chủ nhà trọ đã hỗ trợ cho công nhân gặp khó khăn…” - ông Nguyễn Văn Lâm nói.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về tình trạng các tình nguyện viên (TNV) là sinh viên ngành y, các y bác sỹ của các bệnh viện đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Cụ thể những TNV trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 6, đến nay nhiều tháng vẫn chưa nhận hỗ trợ, trong khi đó thái độ giải quyết của lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến số 6 thiếu trách nhiệm? Vào dịp Tết Nguyên đán tới đây, Sở Y tế có kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19?
Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định: “Trong thời gian tới, Kho bạc Nhà nước sẽ giải quyết đối với lực lượng TNV, đặc biệt TNV là các em sinh viên. Sở Y tế đã cùng các bệnh viện, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát để chi trả. Đối với các TNV ở Bệnh viện Dã chiến số 6, trong thời gian dịch bệnh, bệnh viện này nhận nhiều lực lượng từ các nơi, trong đó có 32 y bác sĩ của nhiều bệnh viện. Đối với tiền hỗ trợ có 2 chế độ: Chi một lần theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 24/8/2021 của HĐND thành phố về chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Hiện các TNV đã nhận xong chế độ 1.
Từ ngày 18/1, các tình nguyện viên sẽ nhận được tiền hỗ trợ
Về phụ cấp phòng chống dịch, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai các TNV đã nhận được tháng 9/2021, còn tháng 10/2021 và tháng 11/2021 do một số thủ tục bị chậm, hồ sơ có tục trặc nên Kho bạc không đồng ý. Chiều nay 17/1, hồ sơ hoàn tất, ngày mai 18/1 các TNV sẽ nhận được tiền hỗ trợ tháng 10/2021 và 11/2021, còn tháng 12/2021 sẽ thực hiện sau đó.
Cũng theo bà Mai, để phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc. Hiện tại số bệnh nhân đang điều trị ở các Bệnh viện Dã chiến chỉ chiếm từ 10% đến dưới 30% số lượng giường. Do đó Sở quyết định tạm thời ngừng hoạt động 4 Bệnh viện Dã chiến để y bác sỹ quay về đơn vị của mình nghỉ ngơi. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, nếu xuất hiện biến chủng Omicron thì kích hoạt lại các bệnh viện này. Trong suốt thời gian Tết, các cơ sở y tế vẫn tiếp nhận người mắc Covid-19, các bệnh viện cũng đã triển nhiệm vụ trực chiến đến 15/2. Hiện các bệnh viện tại thành phố đã có Khoa điều trị Covid-19, hoạt động rất tốt. Đối với người nước ngoài khi vào Việt Nam, nếu phát hiện bị nhiễm biến chủng Omicron sẽ được Bệnh viện Dã chiến số 12 tiếp nhận.
Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cũng cho biết, hiện tại HCDC đã triển khai các kế hoạch ứng phó dịch trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệc việc ứng phó với biến chủng Omicron được thực hiện ngay từ các cửa khẩu đến cộng đồng. Khi phát hiện trường hợp nào nhiễm biến chủng Omicron, lập tức quản lý ngay nên chưa có trường hợp nào lây lan ra cộng đồng.
Hiện nay, người từ nước ngoài trước khi nhập cảnh vào Việt Nam 72 tiếng, buộc phải có visa âm tính, khi phát hiện từ cửa khẩu thì đưa ngay đến Bệnh viện Dã chiến. Trong nội địa, hiện HCDC vẫn kiểm soát và tầm soát những khu có nhiều người nhập cảnh, chưa phát hiện ca Omicron trong cộng đồng.
“Dịp Tết tới đây sẽ có nhiều người về quê ăn Tết. Sau khi họ quay trở lại thành phố vẫn phải thực hiện khai báo y tế, đặc iệt phải luôn tuân thủ quy tắc 5K. Chưa kể những người từ các tỉnh khác vào TP Hồ Chí Minh bằng đường không hoặc tàu hỏa, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải phải khai báo y tế trước khi lên tàu, máy bay” - ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-so-ca-mac-va-tu-vong-vi-covid-19-giam.html