TP. Hồ Chí Minh: Sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả và chất lượng

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã được sử dụng hiệu quả, góp phần phát triển ngành nghề sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đời sống các hộ nghèo ngày càng được cải thiện.

Một trong những yếu tố nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội là sự hiệu quả của dòng vốn. TP. Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng đến việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thường xuyên chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố phối hợp với các sở, ngành thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã được sử dụng hiệu quả. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã được sử dụng hiệu quả. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Các đơn vị đã tập trung nâng cao ý thức có vay có trả của người dân; tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các cấp, các ngành trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên toàn địa bàn thành phố. Đến hết tháng 4/2024, tổng nợ quá hạn của các chương trình tín dụng chính sách là 46,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,42% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 1,52% xuống còn 0,42% (-1,1%) so với thời điểm năm 2014.

Từ nguồn vốn và phương thức cho vay đặc thù riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho các hộ vay được tạo điều kiện về vốn, thông qua việc tham gia sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tiếp cận những cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhỏ, cách thức sử dụng vốn vay hiệu quả…

Đồng thời, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố góp phần phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm cho người lao động, đời sống các hộ nghèo ngày càng được cải thiện.

Vốn tín dụng chính sách xã hội còn là tiền đề cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường và chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội khác.

Quá trình lồng ghép hiệu quả giữa cho vay và hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao được các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép.

Nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả thời gian qua như: chăn nuôi bò thịt ở huyện Củ Chi; chăn nuôi dê ở huyện Bình Chánh; trồng mai ở thành phố Thủ Đức; tổ hợp tác trồng rau sạch ở quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh; nuôi trồng thủy sản và làm muối ở huyện Cần Giờ; tổ hợp tác may gia công các mặt hàng truyền thống của cộng đồng người dân tộc Chăm ở quận Phú Nhuận…

Những mô hình này góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường. Đặc biệt là từng bước hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-su-dung-von-tin-dung-chinh-sach-hieu-qua-va-chat-luong-154155.html