TP. Hồ Chí Minh tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho người dân

Thời gian qua 'tín dụng đen' với với mức lãi suất cao, các phương thức đòi nợ không tuân theo luật pháp khiến nhiều gia đình khốn đốn. Giải pháp ngăn chặn tình trạng này là cần phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng và các tổ chức tài chính vi mô (TCVM), tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người dân.

Tín dụng đen vẫn len lỏi trong đời sống

Báo cáo tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa qua, theo Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng/2019 số vụ việc và vụ án liên quan đến “tín dụng đen” đã giảm 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thực trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn có những diễn biến phức tạp, kèm theo là tình trạng tội phạm liên quan phát sinh.

 Cho vay tiêu dùng đã đáp ứng nhu cầu vốn nhanh, đa dạng cho người dân

Cho vay tiêu dùng đã đáp ứng nhu cầu vốn nhanh, đa dạng cho người dân

Thực tế cho thấy với thủ tục cho vay đơn giản, tín dụng đen đang phát triển, lan rộng dưới nhiều hình thức, các biển quảng cáo vẫn xuất hiện tràn lan. Thậm chí hình thức quảng cáo còn công khai nơi các ngã tư đường phố dưới hình thức phát tờ rơi. Hành vi của các nhóm đòi nợ thuê gây ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng hầu hết vụ việc chỉ bị xử lý hành chính, ít vụ xử lý hình sự gây khó khăn cho công tác ngăn chặn.

Hiện nay, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định đã việc cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất của các tổ chức tín dụng và cộng thêm tình tiết thu lợi bất chính (từ 30 triệu đồng trở lên) được xem là có tội. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng cho vay lãi suất cao vẫn còn nhiều sơ hở và không cho phép tạm giam đối tượng trong nhiều trường hợp.

Để ngăn chặn triệt để hoạt động “tín dụng đen”, Công an thành phố đã có kế hoạch chuyên đề hướng dẫn cụ thể về hướng xử lý hình sự cũng như xem xét xử lý hành chính trong trường hợp không xử lý hình sự được. Đồng thời, thu thập tìm hiểu mối liên hệ giữa các tổ chức có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, rà soát các đối tượng có hoạt động đòi nợ thuê. Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép các công ty đòi nợ thuê, đề suất thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn để phát huy hiệu quả việc đẩy lùi tình trạng này.

Cần phát triển rộng tài chính tiêu dùng và tổ chức tài chính vi mô

Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín- Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nhu cầu người dân cần vay vốn rất lớn vì thế các tổ chức tín dụng nên nghiên cứu các hình thức tín dụng để hỗ trợ người nghèo, tạo điều kiện cho người có nhu cầu vay tiếp cận vốn dễ hơn. Trong đó việc phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là điều cần thiết hiện nay. Đó là các công ty tài chính tiêu dùng được thành lập theo quy định của pháp luật, được cấp giấy phép hoạt động rõ ràng, chịu sự quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuyên tập trung cho các đối tượng vay tiêu dùng.

Thống kê của NHNN cho thấy, trong 7 năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu để hạn chế đến mức thấp nhất “tín dụng đen” ngoài việc giúp người dân hiểu biết về tài chính, Chính phủ cần có những chương trình giúp người dân tự xây dựng kế hoạch tài chính, tư vấn cho người tiêu dùng cách thương lượng với ngân hàng để tái cơ cấu lại nợ, tư vấn nguồn vay để trả nợ... Cần phát triển hệ thống TCVM vốn gắn liền với các tổ chức cộng đồng ở cơ sở và Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để phát triển loại hình TCVM này.

Hiện nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 2 tổ chức TCVM đã được NHNN cấp phép đang hoạt động với mạng lưới rộng khắp và khá hiệu quả. Trong đó, Tổ chức TCVM TNHH một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP), hiện đang có 17 chi nhánh tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố với tổng dư nợ cho vay (đến cuối tháng 4/2019) đạt khoảng 3.820 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED - thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh) cũng đang cho vay khoảng 50 tỷ đồng đối với hàng chục ngàn hộ gia đình khó khăn ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-tang-co-hoi-tiep-can-tin-dung-cho-nguoi-dan-122990.html