TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường công tác phòng chống hàng giả trong cộng đồng

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay các mặt hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu xuất hiện ngày càng nhiều và khó triệt phá. Để góp phần đẩy lùi hàng giả, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác tuyên truyền về cách phòng chống hàng giả cho doanh nghiệp và cả đối tượng người tiêu dùng.

Học sinh học về cách phòng chống hàng giả

Hưởng ứng Ngày phòng, chống hàng giả (29/11), ngày 29/11, Cục QLTT TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng” tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7 và có hàng trăm học sinh, sinh viên tham dự.

Ông Hà Trung Cang - đại diện Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Hội nghị nhằm phổ biến pháp luật, trang bị kiến thức ban đầu về phòng chống hàng giả, hàng nhái cho nhân dân, học sinh, sinh viên. Từ đó ủng hộ bảo vệ và sử dụng được những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, bảo vệ được sức khỏe, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Đặc biệt, Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ không nên sử dụng những hàng hóa không có nguồn gốc xuất sứ, nhất là xu hướng "hàng hiệu" mà sử dụng hàng giả, hàng nhái đủ loại đang lưu thông trên thị trường đang là một trào lưu trong giới trẻ.

Theo ông Hà Trung Cang, hiện nay việc buôn bán sản xuất hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất và địa bàn hoạt động. Thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động luôn thay đổi và mang nhiều yếu tố nước ngoài.

Tại hội nghị, học sinh, sinh viên và người dân đã được các chuyên gia, chủ doanh nghiệp phổ cập kiến thức về cách nhận biết hàng thật, hàng giả, phương thức đấu tranh phát hiện, xử lý đối với hàng giả. Bên lề hội nghị, các doanh nghiệp đã trưng bày sản phẩm thật, sản phẩm giả để học sinh, sinh viên, người dân đối chứng ngay tại các gian hàng.

Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phát hiện bánh phong lan Trung Quốc nhập lậu

Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phát hiện bánh phong lan Trung Quốc nhập lậu

Nhiều học sinh, sinh viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7 tỏ ra phân khích khi được các chuyên gia hướng dẫn tỉ mỉ về cách phân biệt hàng thật, hàng giả. Bạn Lâm Trung, học sinh lớp 10A cho biết, đây được xem là buổi học đặc biệt và rất bổ ích giúp những người trẻ tiếp nhận được nhiều kiến thức về hàng hóa, nhất là cách phận biệt được hàng thật, hàng giả. Bà Huỳnh Thị Thủy - giáo viên chủ nhiệp lớp 11A2 - cho rằng, hội nghị là cơ hội rất tốt để học sinh, sinh viên trải nhiệm kiến thức về tiêu dùng. Học sinh, sinh viên là lứa tuổi đã đủ để nhận thức về những kiến thức về phòng chống, xử lý, cũng như cách phận biệt sản phẩm chất lượng và kém chất lượng.

Nhằm góp phần phòng chống hàng giả trên địa bàn, ông Cang cho biết, trong thời gian tới, Cục QLTT thành phố sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt hội nghị tuyên truyền về phòng chống hàng giả cho người tiêu dùng, nhất là các vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông dân cư lao động như khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố.

Cuối năm dồn lực chống hàng giả

Tại TP. Hồ Chí Minh càng về cuối năm càng xuất hiện nhiều các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chức năng… giả nhãn hiệu tràn ngập chợ truyền thống, trung tâm thương mại, vỉa hè muôn hình vạn trạng hành vi vi phạm.

Ngày 22/11, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với công an giao thông kiểm tra và phát hiện một vụ vận chuyển hàng hóa ngoại nhập, không có hóa đơn chứng từ. Lực lượng kiển tra đã tạm giữ 220 thùng car-ton chứa 5.448 gói bánh bông lan nhãn hiệu JIN BEI FU, do Trung Quốc sản xuất. Trên bao bì ghi thời hạn sản xuất tháng 11/2019 nhưng không ghi hạn sử dụng, không nhãn phụ tiếng Việt và không có hóa đơn chứng từ theo quy định. Chủ hàng Diệp Quế Cường thừa nhận mua với giá mua 4.000 đồng/gói, tổng giá trị số hàng này gần 22 triệu đồng không có hóa đơn chứng từ.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tổ chức 280 đợt kiểm tra tại 20 chợ truyền thống và trung tâm thương mại, đã tịch thu 9.459 đơn vị sản phẩm là hàng giả, hàng vi phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 1,2 tỷ đồng, phạt trên 1,9 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm là các mặt hàng thời trang như giày dép, túi xách, đồng hồ, quần áo, mắt kính, mỹ phẩm, bột ngọt…

Ông Nguyễn Văn Bách - quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, ngành QLTT thành phố đã tăng cường công tác thành kiểm tra, ngăn chặn kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu trên địa bàn. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, QLTT thành phố còn tập trung công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tạo sự đồng thuận với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả.

Theo ông Bách, từ nay đến cuối năm tình trạng sản xuất, chứa trữ hàng giả sẽ gia tăng trên địa bàn thành phố. Để phòng chống hàng giả, QLTT thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các kho hàng, điểm kinh doanh, chợ truyền thống, các trung tâm thương mại và xử lý nghiêm.Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng các tỉnh thành lân cận để chia sẻ thông tin về đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất và vận chuyển hàng giả đưa vào thị trường thành phố tiêu thụ.

Năm 2018, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 375 vụ kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, tịch thu 80.881 đơn vị sản phẩm, hàng vi phạm chủ yếu là hàng giả. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 2 tỷ đồng, đã xử lý vi phạm trên 2,9 tỷ đồng.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-hang-gia-trong-cong-dong-129088.html