TP. Hồ Chí Minh: Tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành kế hoạch năm

Tại Phiên họp thường kỳ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho 3 tháng cuối năm 2024.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định, tình hình kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng đầu năm vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng nói chung, thu ngân sách tăng 14,3% đã khẳng định một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh tăng trưởng ổn định, song vẫn chưa có đột phá. Do đó, trong quý IV/2024, thành phố phải tập trung cao độ, “chạy nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm.

Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, tăng trưởng GRDP quý III của thành phố đạt 7,33%, đóng góp 20% vào tăng trưởng chung của cả nước. Tính chung 9 tháng đầu năm, GRDP thành phố đạt 6,85%. Doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,5%, xuất khẩu đạt 33,82 tỷ USD (tăng 10,2%), nhập khẩu đạt 44,1 tỷ USD (tăng 6,4%), chỉ số sản xuất công nghiệp IPP tăng 6,9%, doanh thu du lịch tăng 11,9%, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6% (37.808 doanh nghiệp), số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 15,4%, thu ngân sách nhà nước tăng 14,29% (đạt 77% dự toán năm)...

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn là 3 trụ cột chính tác động đến sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 6,9% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu thị trường đang tăng và chu kỳ sản xuất cuối năm sẽ tạo động lực cho khu vực sản xuất công nghiệp. Xuất khẩu sau những tháng giảm sút đã tăng trở lại với mức 1,2%. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đã có các đơn hàng ổn định từ nay đến cuối năm 2024, thậm chí một số đơn hàng kéo dài đến quý I/2025. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định với mức tăng 10,5%, cao hơn trung bình cả nước. Các chỉ số cho thấy sự phục hồi của khu vực sản xuất, cũng như chứng minh chương trình kích cầu đang được triển khai hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, để đạt mục tiêu đặt ra từ nay đến cuối năm, chính quyền thành phố cần quan tâm giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng du lịch, thị trường bất động sản và giao thông vận tải.

Trong đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính cần minh bạch và có cơ chế kiểm tra, đánh giá thường xuyên để nâng cao chất lượng phục vụ. Thành phố nên đầu tư mạnh mẽ hơn vào các dự án hạ tầng du lịch trọng điểm và các tuyến đường kết nối để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế; cần có chiến lược cụ thể trong việc cải thiện hệ thống giao thông và logistics. Các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3, cùng với việc kết nối sân bay Long Thành phải được triển khai nhanh chóng để giảm thiểu ùn tắc và hỗ trợ phát triển kinh tế.

Về bất động sản, vấn đề giải phóng các dự án bị đình trệ do vướng mắc pháp lý là nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt, việc thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù cho thành phố được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo động lực cho sự phát triển của ngành bất động sản và xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh nêu ý kiến, cải cách chính sách là yếu tố then chốt để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi. Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần được thành lập, đồng thời thành phố cũng nên có chính sách giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao để ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”.

Trong bối cảnh công nghệ và kinh tế số ngày càng phát triển, doanh nghiệp cũng đề xuất chính quyền thành phố chú trọng vào chuyển đổi số và công nghiệp công nghệ cao. Phát triển các lĩnh vực y dược, công nghệ cao, dịch vụ số và năng lượng xanh là những ngành được ưu tiên trong chiến lược dài hạn của thành phố. Các doanh nghiệp rất ủng hộ việc phát triển thành phố xanh, bền vững thông qua các biện pháp như tái chế tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và phát triển kinh tế tuần hoàn được khuyến khích để bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thành phố cần đề ra tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái và đặt mục tiêu “Net zero” nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế.

“Sớm có những bước đi cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc và đưa ra các chính sách phù hợp nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2024-2029, cùng với sự quan tâm của chính quyền và sự hợp tác từ phía doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng”, ông Hòa nhấn mạnh.

Thanh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-tap-trung-thao-go-kho-khan-hoan-thanh-ke-hoach-nam-156511.html