TP Hồ Chí Minh: Thêm 5 trường hợp bị ngộ độc rượu vào bệnh viện cấp cứu
Ngày 8/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết đã tiếp nhận thêm 5 trường hợp ngộ độc rượu. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày, bệnh viện đã tiếp nhận 9 trường hợp bị ngộ độc rượu.
Đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, trong hai ngày 6 -7/8, Bệnh viện đã tiếp nhận 5 trường hợp ngộ độc. Qua khai thác tiền sử cho thấy các trường hợp này là cùng một nhóm bạn uống rượu chung với nhau vào ngày 5/8.
Cả 5 bệnh nhân đều là nam giới, hiện đang được điều trị tại khoa Hồi sức – tích cực chống độc với chẩn đoán ngộ độc methanol ngày thứ 3.
Cụ thể, đêm 6/8, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T.C.T. (sinh năm 1994, ngụ Hậu Giang). Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, nôn ói nhiều và được chẩn đoán nhập viện theo dõi ngộ độc rượu ngày 2 với nồng độ methanol trong máu rất cao (242,25mg/dL). Qua khai thác bệnh sử, trước đó 1 ngày, bệnh nhân đi uống rượu với 4 người bạn có pha nhầm chai cồn rửa tay vào rượu. Do người bệnh kêu mệt, nôn ói nhiều nên người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân P.T.Q (21 tuổi), nhập viện khoảng 15 giờ ngày 7/8 trong tình trạng tỉnh. Trước đó 2 ngày, bệnh nhân Q. đi uống rượu cùng nhóm với bệnh nhân T.C.T. Ngày nhập viện, bệnh nhân than mệt và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hiện Q. chưa có kết quả xét nghiệm độc chất nhưng chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol ngày 3. Bệnh nhân được điều trị tại ICU, dùng ethanol, vitamin B1.
Cùng ngày 7/8, lúc 15 giờ 10 phút, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.D.L. (28 tuổi, ngụ Quận 3); lúc 15 giờ 34 phút tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ. (25 tuổi, quận Bình Thạnh) và lúc 16 giờ 16 phút, Bệnh viện tiếp nhận thêm bệnh nhân P.H.Th. (31 tuổi, ngụ Quận 7). Ba bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, niêm hồng và qua xét nghiệm đều có nồng độ methanol cao.
Bệnh viện Nhân dân Gia định cho biết, hiện cả 5 bệnh nhân trên đang được lọc máu, bù dịch, điều trị nội khoa theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế.
Trước đó, vào ngày 5/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng đã tiếp nhận 4 trường hợp bị ngộ độc rượu trong nhóm 8 người nhập viện cấp cứu (2 người đã tử vong và 6 người trong tình trạng nguy kịch) sau khi uống rượu tại một nhà hàng ở thành phố Thủ Đức. Trong số 4 người được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, 1 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo các chuyên gia y tế, methanol được dùng trong công nghiệp hóa chất, ngộ độc methanol xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, oxy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5 - 15 ml có thể gây ngộ độc nặng, 15 ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của Methanol gây tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới thần kinh mắt…
Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ có biểu hiện say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.