TP Hồ Chí Minh thông xe 4 công trình giao thông
Bốn công trình giao thông tại TP Hồ Chí Minh được tổ chức thông xe, gồm: cầu Phước Long (mới) nối quận 7 với huyện Nhà Bè; hầm chui HC1 nút giao Nguyễn Văn Linh–Nguyễn Hữu Thọ; đoạn đường song hành Quốc lộ 50 giai đoạn I (huyện Bình Chánh); đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân).
Giảm ùn tắc giao thông khu vực, kết nối đến sân bay
Ngày 30/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện: quận 7, Bình Tân; huyện Nhà Bè và Bình Chánh tổ chức lễ thông xe 4 công trình giao thông.
4 công trình, gồm: cầu Phước Long (mới) nối quận 7 với huyện Nhà Bè; hầm chui HC1, nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ; đường song hành Quốc lộ 50, đoạn từ đường Trịnh Quang Nghị đến ngã 3 đường song hành và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); đường Tân Kỳ Tân Quý mở rộng (quận Bình Tân).
Cầu Phước Long có tổng mức đầu tư 737 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp 168 tỷ đồng; bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB), tái định cư 515 tỷ đồng cho 4 tổ chức, 72 hộ dân tại quận 7, huyện Nhà Bè.
Ông Lương Minh Phúc–Giám đốc Ban Giao thông TP cho biết, cầu Phước Long tạo hướng kết nối cho đường Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế–xã hội. Cầu Phước Long có kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, dài 359m, rộng 10,5m. Xây dựng đường dẫn đầu cầu với tổng chiều dài 430m, trong đó phía quận 7 dài 156m, phía Nhà Bè dài 274m.
Phần cầu Phước Long (mới) khởi công tháng 2/2020, đến tháng 1/2021 tạm dừng thi công do hết mặt bằng. Đến tháng 11/2023, khi có đủ 100% mặt bằng, Ban Giao thông TP đẩy nhanh thi công và thông xe sau 13 tháng.
Cũng trong sáng 30/12, có 3 công trình khác được thông xe, đưa vào khai thác. Đối với công trình nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), là đường trục chính kết nối khu Tây Nam với trung tâm TP và khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi TP tiếp tục hoàn thành và thông xe các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, đường nối Trần Quốc Hoàn–Cộng Hòa.
Đường có mặt cắt ngang sau nâng cấp là 30m, tổng mức đầu tư 1.232 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường 995 tỷ đồng do quận Bình Tân thực hiện; xây lắp 237 tỷ đồng do Ban Giao thông TP làm chủ đầu tư.
Tổng chiều dài mở rộng đường là 1.980m, điểm đầu tuyến là nút giao đường Bình Long, điểm cuối giao với đường Mã Lò. Dự án có 380 trường hợp thuộc 2 phường bị ảnh hưởng (372 hộ dân, 8 tổ chức); trong đó, phường Bình Hưng Hòa (169 hộ dân, 7 tổ chức), phường Bình Hưng Hòa A (203 hộ dân, 1 tổ chức).
Kết nối vùng, liên kết với cao tốc
Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), có tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng, mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này. Đồng thời, tách dòng xe container, xe có tải trọng lớn ra khỏi dòng xe hỗn hợp, xe máy đảm bảo khả năng lưu thông thuận lợi và an toàn.
Dự án gồm 2 hầm chui (HC1 và HC2), tổng chiều dài mỗi hầm khoảng 456m, mặt cắt ngang đảm bảo (3 làn xe/1 hầm - 1 chiều xe chạy), bề rộng 2 hầm đảm bảo 6 làn xe ô tô chạy suốt 2 chiều; kết cấu hầm bằng bê tông cốt thép; phần hầm kín của 2 hầm đều dài 98m; vận tốc thiết kế 60km/giờ (đối với phần hầm), 30km/giờ (đối với các nhánh vào nút giao). Tại dự án này, Ban Giao thông TP cùng các nhà thầu, tư vấn sẽ tiếp tục thi công hoàn thành các hạng mục bản quá độ tại khu vực nút giao lộ này, và đưa toàn bộ nút giao vào hoạt động trước ngày 20/1/2025.
Đối với dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương và TP. Mục tiêu tăng cường năng lực khai thác tuyến đường trục liên kết TP Hồ Chí Minh với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây; tăng cường kết nối cho tuyến cao tốc Bến Lức–Long Thành, các tuyến trục chính, vành đai của TP.
Thời gian thực hiện từ 2022-2025, điểm đầu tuyến giao với đường Nguyễn Văn Linh; điểm cuối tuyến giáp tỉnh Long An; vận tốc 60km/giờ; mặt cắt ngang 34m, 6 làn xe; tổng chiều dài tuyến khoảng 6,92 km. Công tác BTGPMB do UBND huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư; dự án này có 594 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng (đoạn song hành 234; đoạn mở rộng 360), chi phí bồi thường 1.280 tỷ đồng. Đến nay, có 581/594 trường hợp giao mặt bằng, còn vướng 12 hộ dân và 1 trạm điện.
Cũng theo ông Lương Minh Phúc, thời gian tới Ban Giao thông TP và các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, tiếp tục hoàn thành và đưa vào phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán 2025 các dự án: một đơn nguyên cầu Tăng Long và các cầu: Tân Kỳ Tân Quý, Bà Hom, Bà Dạt, Giồng Ông Tố 2 của nút giao An Phú; các con đường: Dương Quảng Hàm (giai đoạn 1), Hoàng Hoa Thám, Lương Định Của (đoạn từ Nguyễn Hoàng đến nút giao Trần Não), đường nối Trần Quốc Hoàn–Cộng Hòa (giai đoạn 1); kênh Hàng Bàng (quận 5)…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-thong-xe-4-cong-trinh-giao-thong.html