TP Hồ Chí Minh thu hồi được 103 hộp sản phẩm pate Minh Chay

Theo thống kê của các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đến chiều 1/9 TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 9 trường hợp bị trúng độc do sử dụng pate Minh Chay.

Chiều 1/9, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh đã cung cấp một số thông tin xung quanh việc kinh doanh, sử dụng pate Minh Chay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hiện đơn vị này mới chỉ thu hồi được 103 hộp sản phẩm pate Minh Chay.

Hiện tại, các bệnh viện TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 9 bệnh nhân bị trúng độc do sử dụng pate Minh Chay với các triệu chứng khó nuốt, khó thở, sụp mi. Ảnh: BV

Hiện tại, các bệnh viện TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 9 bệnh nhân bị trúng độc do sử dụng pate Minh Chay với các triệu chứng khó nuốt, khó thở, sụp mi. Ảnh: BV

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP, cho biết ngay từ ngày 29/8, đơn vị đã triển khai xử lý khẩn cấp sản phẩm pate Minh Chay không đảm bảo an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Trong ngày 30/8, đơn vị đã tiến hành rà soát, nắm bắt thông tin về số cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố đã mua và sử dụng các sản phẩm pate Minh Chay.

Hiện nay TP Hồ Chí Minh mới chỉ thu hồi được 103/1.559 hộp pate Minh Chay. Ảnh: CTV

Hiện nay TP Hồ Chí Minh mới chỉ thu hồi được 103/1.559 hộp pate Minh Chay. Ảnh: CTV

Ngày 31/8, Ban Quản lý ATTP đã yêu cầu lãnh đạo 24 quận, huyện triển khai xử lý khẩn cấp sản phẩm không đảm bảo an toàn, tiến hành xác minh, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân không sử dụng. Theo thống kê sơ bộ, có 1.290 khách hàng ở TP Hồ Chí Minh mua 1.559 hộp pate Minh Chay, do Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới kinh doanh. Tính đến chiều 1/9, cơ quan chức năng đã liên hệ được 1.101 người tiêu dùng, vẫn còn 122 người chưa liên hệ được. Cơ quan chức năng mới thu hồi được 103/1.559 hộp pate Minh Chay.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, thực phẩm chay luôn là mục tiêu được kiểm tra thường xuyên, đặc biệt các loại thực phẩm đóng gói như đùi gà chay, heo quay chay… bởi các sản phẩm này có nguy cơ sử dụng hóa chất, phụ gia.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, thực phẩm chay luôn là mục tiêu được kiểm tra thường xuyên, đặc biệt các loại thực phẩm đóng gói như đùi gà chay, heo quay chay… bởi các sản phẩm này có nguy cơ sử dụng hóa chất, phụ gia.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, số còn lại chưa thu hồi được nhưng đại diện Ban ATTP đã nhắn tin cho khách hàng để cảnh báo không được sử dụng các sản phẩm này và không để chung với các sản phẩm khác để tránh việc ăn nhầm, đợi cơ quan chức năng đến thu hồi.

Đại diện Ban Quản lý ATTP cho biết, có một khách hàng tại quận 5 đã mua 3 hộp sản phẩm Pate Minh Chay, đã sử dụng hết 1 hộp và đem tặng 2 hộp cho một người tiêu dùng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, Ban Quản lý ATTP đã liên hệ và cung cấp thông tin cảnh báo cho Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc thu hồi sản phẩm pate Minh Chay gặp nhiều khó khăn do khách hàng mua để biếu tặng, cúng chùa và một số trường hợp không chịu giao nộp với lý do giữ lại để đợi nhà sản xuất bồi thường. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người mua số lượng ít và đã ăn hết.

“Việc người tiêu dùng đã sử dụng các sản phẩm này rất nguy hiểm nên chúng tôi đã khuyến cáo người dân nên liên lạc với cơ quan y tế địa phương để được điều trị kịp thời bởi độc lực của botulinum rất mạnh, gây co giật, liệt cơ, dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn", bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin thêm.

Về việc kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay đóng hộp, bà Lan cho hay đơn vị dành rất nhiều thời gian để lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm này, đặc biệt là những hóa chất, phụ gia sử dụng trong các sản phẩm chay do đồ chay đóng hộp được đánh giá là nguy cơ cao hơn thực phẩm thông thường.

Để đi vào hoạt động, các cơ sở sản xuất thực phẩm chay phải đáp ứng nhiều yêu cầu nhứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các phiếu kiểm nghiệm, hồ sơ về nguồn gốc nguyên liệu. Bên cạnh đó, định kỳ hoặc đột xuất, Ban ATTP cũng tiến hành lấy mẫu kiểm tra để xem có chứa độc tố hay không để có phương án xử lý, kịp thời ngăn chặn thực phẩm không an toàn đến tay người dân. Khi có sự cố xảy ra, đơn vị cũng khởi động hệ thống thu hồi với các đội quản lý trên 24 quận, huyện.

Tính đến ngày 1/9, các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều trị cho 9 bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Trong đó, có 5 người đã xuất viện chuyển về các địa phương, còn lại 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115 với các triệu chứng nặng như liệt tứ chi, phải thở máy...

TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cho biết sở dĩ các ca bệnh xuất hiện từ tháng 7 nhưng đến tháng 8 mới cảnh báo là do vi khuẩn clostridium botulinum rất hiếm gặp, phải cần thời gian để phân cấy, xác nhận chính xác. Mặt khác, hầu hết các ca bệnh khi mới nhập viện không có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm thông thường, dễ bị nhầm sang các bệnh lý khác.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Hảo, với loại ngộ độc này, mặc dù có thuốc kháng độc nhưng giá thành khá cao và các bệnh viện cũng không có sẵn. Bên cạnh đó, để sử dụng huyết thanh kháng độc hiệu quả thì phải sử dụng ngay trong 3 ngày đầu tiên mắc bệnh, vì thế việc điều trị hiện nay gặp không ít khó khăn. Đây là dòng vi khuẩn yếm khí với độc tố có độc lực cực mạnh, tỷ lệ tử vong đến 10-20% và để lại hậu quả lâu dài.

Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/tp-ho-chi-minh-thu-hoi-duoc-103-hop-san-pham-pate-minh-chay-20200901155818816.htm