TP Hồ Chí Minh tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch nội địa

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, du lịch nội địa vẫn là lựa chọn ưu tiên phát triển của thành phố trong mùa hè 2022. Vì vậy, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã và đang tích cực làm mới các sản phẩm du lịch địa phương để chào bán, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Múa Lân Sư Rồng trở thành sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách đến TP Hồ Chí Minh.

Múa Lân Sư Rồng trở thành sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách đến TP Hồ Chí Minh.

Cuối tuần qua, UBND Quận 5 đã tổ chức chương trình "Về Chợ Lớn xem múa lân" năm 2022 tại Quảng trường The Garden Mall nhằm quảng bá nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng và giới thiệu đây là sản phẩm du lịch văn hóa mới được đưa vào khai thác để thu hút du khách trong dịp hè.

Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch UBND Quận 5 cho biết, Quận 5 vẫn còn nhiều điều hấp dẫn khác mà khi đến đây, du khách không thể nào bỏ lỡ, một trong số đó chính là nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng danh tiếng của Chợ Lớn. Đây không chỉ là môn nghệ thuật, võ thuật mà còn đem đến điềm lành, may mắn, bình an cho mọi người…Vì vậy, lãnh đạo quận muốn phát triển bộ môn nghệ thuật này thành một sản phẩm du lịch định kỳ, kết nối với các công ty du lịch, lữ hành đưa vào các chương trình city tour của thành phố để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Việc đưa bộ môn nghệ thuật này thành sản phẩm du lịch cũng sẽ tiếp tục làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Quận 5, song song với sản phẩm thế mạnh là du lịch ẩm thực, du lịch tìm hiểu lịch sử...

Theo đó, chương trình nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng đầu tiên được ra mắt vào ngày 23 – 24/7 và định kỳ diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật của tuần thứ hai mỗi tháng. Chương trình được bắt đầu từ 17 giờ 30 đến 20 giờ với 3 suất diễn mỗi đêm, mỗi suất kéo dài 30 phút với các tiết mục Múa Rồng truyền thống, Lân lên Mai hoa thung, Lân Địa bửu… xen kẽ các tiết mục biểu diễn như võ nhạc, múa sư tử, trống hội từ các Lân Sư Rồng tiêu biểu của thành phố. Trong khuôn viên tổ chức còn có các gian hàng di động phục vụ đồ ăn, thức uống và bày bán các món quà lưu niệm mang nét đặc trưng của địa phương…

Du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh được đầu tư phát triển để thu hút du khách trở lại sau dịch.

Du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh được đầu tư phát triển để thu hút du khách trở lại sau dịch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay chương trình “Về Chợ Lớn xem múa lân” được xem là sản phẩm du lịch nội thành mới nhất của TP Hồ Chí Minh được đưa vào khai thác nhằm thu hút du khách. Ngoài ra, sản phẩm này cũng được coi là một điểm nhấn, đặc trưng mới của du lịch TP Hồ Chí Minh khi muốn gắn với các hoạt động sự kiện văn hóa lễ hội để thu hút du khách, nhất là đón khách quốc tế.

“Vừa qua, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được 10 sản phẩm du lịch địa phương nằm trong chương trình "mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch", do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phát động từ đầu năm 2022. Cụ thể, Quận 8 có sản phẩm du lịch "Trên bến dưới thuyền"; huyện Củ Chi có sản phẩm "Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”; huyện Cần giờ có sản phẩm "Lắng nghe hơi thở của rừng"; Quận 1 có sản phẩm "Từ Sài Gòn xưa đến Thành phố Hồ Chí Minh " khám phá trung tâm thành phố; huyện Bình Chánh có sản phẩm "Bình Chánh những điều chưa kể"; thành phố Thủ Đức có sản phẩm "Thành phố Thủ Đức bên dòng sông xanh", quận Tân Phú có “ Tân Phú - Đi là nhớ”... Tất cả các sản phẩm du lịch trên nhằm tạo sức hút cho điểm đến thành phố để tạo ra hướng đi đột phá, mới mẻ trong sản phẩm du lịch”, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết thêm.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm tăng thêm sự lựa chọn cho du khách trong nước và quốc tế. Qua các đợt khảo sát, những tour tuyến mới được xây dựng trở thành sản phẩm du lịch đón khách, cho thấy tiềm năng của du lịch TP Hồ Chí Minh còn rất lớn và rất nhiều dư địa phát triển. Chiến lược biến TP Hồ Chí Minh thành điểm đến hấp dẫn, dù là khó khăn, lội dòng nước ngược nhưng đến giờ, chúng tôi thấy đang đi đúng hướng.

Huyện Củ Chi phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với vườn trái cây Trung An.

Huyện Củ Chi phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với vườn trái cây Trung An.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TSTtourist, tiềm năng du lịch của TP Hồ Chí Minh rất lớn, tại mỗi quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh đều có những đặc trưng riêng để xây dựng thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. Ví dụ, tại Quận 1 có nhiều công trình văn hóa lịch sử du khách có thể trải nghiệm, giải trí, mua sắm; Quận 3 có du lịch ẩm thực, mua sắm; quận 4 có thế mạnh du lịch văn hóa - lịch sử; Quận 5 là thế giới ẩm thực với không gian văn hóa của người Hoa...

“Theo thống kê của doanh nghiệp, sau một thời gian triển khai các tour du lịch về các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, du khách rất quan tâm tìm hiểu và mua tour thường xuyên. Vì vậy, để các sản phẩm du lịch đặc trưng của TP Hồ Chí Minh được nhiều du khách biết đến phải giải quyết khâu quảng bá, truyền thông. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng cần chủ động nâng chất các dịch vụ ở điểm đến để du khách sau khi trải nghiệm sẽ còn tiếp tục muốn quay lại điểm đó”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết thêm.

Nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda vừa công bố báo cáo dựa trên dữ liệu đặt phòng của khách du lịch từ tháng 5 đến hết tháng 8. Theo Agoda, du lịch nội địa vẫn là lựa chọn ưu tiên đối với người Việt, đặc biệt mùa hè luôn lý tưởng để các nhóm gia đình tề tựu gặp gỡ. Điểm đến yêu thích nhất của du khách nội địa là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, tiếp theo là Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Phan Thiết.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tp-ho-chi-minh/tp-ho-chi-minh-tiep-tuc-uu-tien-phat-trien-du-lich-noi-dia-20220726090005200.htm