TP. Hồ Chí Minh: Tiểu thương chợ truyền thống làm quen với hóa đơn điện tử

Sau thời gian trầm lắng, nhiều tiểu thương tại TP. Hồ Chí Minh đã quay lại kinh doanh, chủ động tiếp cận phần mềm bán hàng và hóa đơn điện tử.

Chuyển đổi để thích ứng

Sau một thời gian dài trầm lắng vì tâm lý e ngại trước các quy định mới về thuế và xuất xứ hàng hóa, các tiểu thương tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam đã bắt đầu quay lại quầy sạp, nối lại hoạt động kinh doanh. Sự trở lại này không chỉ đơn thuần là việc mở cửa buôn bán mà còn là bước khởi đầu cho quá trình chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp hóa, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số và quản lý thuế hiện đại.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại chợ An Đông (phường An Đông, TP. Hồ Chí Minh), một trong những khu chợ lâu đời và nổi bật với các ngành hàng thời trang, phụ kiện, mỹ phẩm, không khí buôn bán những ngày gần đây đã sôi động hơn đáng kể so với thời điểm đầu tháng 6. Những quầy hàng từng đóng cửa hoặc mở cầm chừng do lo ngại về thanh tra thuế và quy định kê khai xuất xứ hàng hóa, nay đã sáng đèn trở lại.

Sau thời gian trầm lắng, nhiều sạp hàng tại chợ An Đông đã buôn bán trở lại.

Sau thời gian trầm lắng, nhiều sạp hàng tại chợ An Đông đã buôn bán trở lại.

Nhiều tiểu thương tranh thủ dọn dẹp quầy kệ, nhập thêm hàng hóa, bố trí lại không gian để đón khách trở lại. Một số người còn bắt đầu áp dụng các phương thức quản lý sổ sách đơn giản, tập tành làm quen với hóa đơn điện tử và phần mềm tính doanh thu theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

Chị Bảo Ngọc, người đã có hơn 20 năm kinh doanh các mặt hàng phụ kiện thời trang tại chợ An Đông cho biết, bản thân từng lo lắng khi nghe thông tin về việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa không có hóa đơn đầu vào. Tuy nhiên, sau nhiều buổi gặp gỡ và đối thoại do ban quản lý chợ phối hợp với Chi cục Thuế và Quản lý thị trường tổ chức, chị cảm thấy yên tâm hơn vì cơ quan chức năng đang tìm các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện để tiểu thương từng bước thích ứng với các yêu cầu mới.

“Thực tế, trước đây, phần lớn hàng hóa của chúng tôi nhập theo dạng thỏa thuận miệng hoặc giấy viết tay, không có hóa đơn chính thức nên rất khó chứng minh nguồn gốc. Nhưng nay, cơ quan thuế đã có phương án linh hoạt, cho phép kê khai theo hình thức phù hợp hơn, nên tôi quyết định mở cửa bán lại, đồng thời học cách ghi chép doanh thu để chuẩn bị chuyển sang hình thức kinh doanh chuyên nghiệp hơn”, chị Ngọc cho biết.

Việc hướng đến chuyên nghiệp trong kinh doanh không còn là điều xa vời với giới tiểu thương. Một bộ phận người bán hàng lâu năm tại các chợ lớn như Bến Thành, Bình Tây, An Đông... đã bắt đầu tính đến việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc hợp tác xã, vừa để đáp ứng các quy định về hóa đơn, thuế, bảo hiểm xã hội, vừa mở rộng quy mô và tăng độ tin cậy với khách hàng.

Ông Sáu Vui, tiểu thương kinh doanh tại Bình Tây cho biết, đang hoàn tất hồ sơ thành lập doanh nghiệp. “Tôi thấy mô hình doanh nghiệp giúp kiểm soát tài chính tốt hơn, hạn chế rủi ro khi bị kiểm tra. Sử dụng phần mềm, xuất hóa đơn điện tử cũng giúp khách hàng tin tưởng hơn, nhất là khi bán buôn cho các cơ sở may mặc”, ông Vui chia sẻ.

Ban quản lý chợ hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi số

Cùng với sự thay đổi của tiểu thương, Ban quản lý các chợ truyền thống cũng đang tích cực vào cuộc nhằm hỗ trợ người kinh doanh chuyển đổi thuận lợi. Tại chợ Bình Tây, nơi có hàng ngàn quầy sạp hoạt động trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm khô, vải vóc và thiết bị gia dụng, các lớp tập huấn về chính sách thuế, hóa đơn điện tử và quy định về xuất xứ hàng hóa đang được tổ chức thường xuyên, có sự phối hợp của các cơ quan chức năng. Ban quản lý chợ còn chủ động thiết lập các tổ hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ để giải đáp các vướng mắc, hướng dẫn tiểu thương thao tác các phần mềm xuất hóa đơn, cách kê khai thuế và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình áp dụng quy định mới.

Một số sạp hàng tại chợ Bình Tây.

Một số sạp hàng tại chợ Bình Tây.

Tại chợ Bến Thành (phường Bến Thành) - khu chợ nổi tiếng thu hút lượng lớn du khách quốc tế, Ban quản lý chợ cho biết đang thực hiện khảo sát tình hình kinh doanh thực tế của từng hộ để đề xuất điều chỉnh mức thuế khoán cho phù hợp. Đồng thời, những tiểu thương có nhu cầu chuyển đổi hình thức kinh doanh cũng được kết nối với các đơn vị chuyên môn về thành lập doanh nghiệp, tư vấn pháp lý và tài chính để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi.

Không chỉ tại các chợ lớn như An Đông, Bến Thành hay Bình Tây, không khí kinh doanh tại nhiều chợ truyền thống quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đang có chuyển biến tích cực. Tại các khu chợ nằm trong quận Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh (cũ), nhiều tiểu thương đã quay trở lại buôn bán sau thời gian tạm ngưng hoạt động vì tâm lý lo ngại về quy định mới trong quản lý thuế và hóa đơn.

Ghi nhận tại chợ Phạm Văn Hai (phường Tân Bình), các quầy hàng thời trang đã mở cửa trở lại khá đông, hàng hóa được trưng bày gọn gàng và nhiều chủ sạp chủ động làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo có hóa đơn đầu vào, phục vụ việc kê khai minh bạch.

Tại khu vực chợ Thủ Đức, nhiều tiểu thương cũng cho biết đang làm quen với việc sử dụng phần mềm bán hàng, ghi chép doanh thu để chuẩn bị chuyển sang hình thức kê khai thuế theo doanh thu thực tế. Một số người còn cùng nhau học hỏi cách sử dụng phần mềm xuất hóa đơn điện tử, chia sẻ kinh nghiệm nhập hàng từ nguồn uy tín, có đầy đủ giấy tờ để đảm bảo tuân thủ quy định và tránh bị xử phạt. Việc các tiểu thương tại nhiều khu chợ truyền thống đồng loạt trở lại kinh doanh không chỉ giúp thị trường sôi động trở lại mà còn cho thấy tinh thần chủ động thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn để thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Mặc dù vậy, quá trình triển khai các quy định mới cũng gặp không ít khó khăn. Theo thống kê sơ bộ từ Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện có hơn 50% tiểu thương tại các chợ truyền thống thuộc nhóm trên 50 tuổi, phần lớn trong số đó gặp trở ngại trong việc tiếp cận công nghệ, thiếu kiến thức kế toán và e ngại khi sử dụng phần mềm, hóa đơn điện tử. Nhiều người vẫn giữ thói quen ghi chép thủ công, tính toán bằng máy cộng trừ hoặc ghi nhớ bằng trí nhớ cá nhân. Điều này khiến việc chuyển đổi sang hình thức quản lý hiện đại gặp nhiều trở ngại.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định, các chính sách về thuế, hóa đơn điện tử và bảo hiểm xã hội bắt buộc là xu thế tất yếu nhằm đảm bảo sự công bằng trong môi trường kinh doanh, đồng thời tăng hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, để các tiểu thương có thể tiếp cận và thực hiện đúng, cần có lộ trình hợp lý và các chính sách hỗ trợ thiết thực. Trong đó, kiến nghị được Sở Công Thương nhấn mạnh là miễn phí phần mềm xuất hóa đơn điện tử, hỗ trợ chi phí mua máy móc và thiết bị in hóa đơn, có chính sách ưu đãi tiền điện, nước, phí vệ sinh cho các hộ tiểu thương trong giai đoạn đầu chuyển đổi.

Sự trở lại của tiểu thương và nỗ lực chuyển đổi số đang thổi luồng sinh khí mới vào các chợ truyền thống TP. Hồ Chí Minh. Với sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan chức năng, quá trình thích ứng với hóa đơn điện tử và quản lý hiện đại đang dần trở thành xu hướng tất yếu.

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-tieu-thuong-cho-truyen-thong-lam-quen-voi-hoa-don-dien-tu-408487.html