TP Hồ Chí Minh tìm hướng phát triển kinh tế biển
Theo các chuyên gia và nhà quản lý, tương lai thế mạnh của TP Hồ Chí Minh là nền kinh tế hướng ra biển và kết nối với chuỗi đô thị quốc tế chứ không còn nền kinh tế phục thuộc vào đất.
Hướng về vịnh Cần Giờ
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế biển là nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Ngành kinh tế biển thời gian qua cũng có tốc độ phát triển mạnh mẽ như nuôi trồng thủy hải sản, dầu khí, tài nguyên biển, du lịch biển, vận tải đường biển…
Trong bối cảnh đó, TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận cần định vị lại vị thế cạnh tranh của mình, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới như kinh tế biển xanh tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao. Chính vì vậy, ngày 30/3, UBND TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “TP Hồ Chí Minh - tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” nhằm tìm ra những giải pháp cho phát triển kinh tế biển của Thành phố trong tương lai.
“Hiện nay, việc phát triển kinh tế hướng biển là mong muốn, ý chí của các thế hệ lãnh đạo và người dân TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển còn nhiều khó khăn và hạn chế, mặc dù TP Hồ Chí Minh có lợi thế tiếp cận trực tiếp với biển tại vịnh Cần Giờ. Tại đây, Thành phố có diện tích tiếp giáp biển trải dài 42.000 km2, làm chủ hàng hải quốc tế và nội địa thông qua nhóm cảng số 5 lớn nhất cả nước”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết thêm.
Theo ông Hoan, định hướng chiến lược để kinh tế TP Hồ Chí Minh cất cánh trong tương lai cũng đã xác định dồn lực phát triển về phía vịnh Cần Giờ. Cụ thể, vùng vịnh Cần Giờ sẽ được phát triển kinh tế biển theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả và bền vững tiềm năng và động lực phát triển, liên kết vùng kết nối với các tỉnh lân cận, lan tỏa các mô hình kinh tế mới, sáng tạo, từng bước liên kết với các nước trong khu vực và quốc tế.
Cụ thể, vùng biển Cần Giờ sẽ kết nối với vùng biển phía Đông và phía Tây của các tỉnh thành lân cận như: thành phố Vũng Tàu, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), các khu đô thị mới hiện đại và cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), cảng Hiệp Phước,…
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chia sẻ, thế mạnh của TP Hồ Chí Minh trong tương lai là nền kinh tế hướng ra biển và kết nối với chuỗi đô thị quốc tế chứ không còn nền kinh tế phụ thuộc dựa vào đất. Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua TP Hồ Chí Minh đã đặt việc phát triển kinh tế biển gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Theo đó, khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ cũng được Chính phủ phê duyệt phát triển với quy mô 2.870 ha (Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư). Dự án này đã được khởi công vào năm 2007, đến nay chủ đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 908 ha, giai đoạn 2 đang thực hiện với tổng diện tích dự kiến trên 1.577 ha.
“Sau khi đi vào hoạt động, khu đô thị lấn biển Cần Giờ hướng tới mục tiêu phục vụ cho hơn 228.000 cư dân và tiếp đón gần 9 triệu lượt khách/năm, đồng thời góp phần kết nối với hệ thống giao thông cảng biển quốc tế và khu vực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân TP Hồ Chí Minh và vùng lân cận”, TS. Nguyễn Đức Hiển nói.
Liên quan đến việc phát triển dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết thêm, khi triển khai thực hiện dự án này, TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, quy hoạch giao thông và thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường, đồng thời còn phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Unesco, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ…
Kết nối với các tỉnh phía Đông, phía Tây
Đánh giá hướng phát triển triển kinh tế biển tại vịnh Cần Giờ, ông Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công tại vịnh Cần Giờ đang tạo "mặt tiền" biển thuận lợi và chủ động để đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế, làm bàn đạp cho TP Hồ Chí Minh trở thành một thành phố "cửa ngõ" kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế. Lúc này, TP Hồ Chí Minh không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của vùng kinh tế phía Nam mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế, như hành lang kinh tế Ấn Độ - Mekong, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sáng kiến Vành đai, con đường. Bắt nguồn từ điểm Hub (trung tâm) về hàng hải sẽ kéo theo việc TP Hồ Chí Minh trở thành điểm Hub về hàng không, đường bộ và đường sắt.
“Đáng chú ý, xu thế phát triển kinh tế hiện nay của các nước trên thế giới đều đang xoay trục từ phát triển dựa vào đất sang phát triển dựa vào biển. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh muốn phát triển kinh tế biển cần tập trung vào các lĩnh vực chính của biển như nghề nuôi biển, tài nguyên khoáng sản từ biển, năng lượng tái tạo (thủy triều, gió), an toàn và giám sát hàng hải, vận tải biển, công nghệ sinh học biển, du lịch biển…”, ông Lưu Thế Anh kiến nghị.
Ủng hộ TP Hồ Chí Minh lấy vùng vịnh Cần Giờ để phát triển kinh tế biển, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết TP Hồ Chí Minh muốn phát triển kinh tế biển cần có định hướng cụ thể và có lộ trình phát triển lâu dài để không ảnh hưởng đến môi trường sinh quyển của vùng dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Trong đó, hướng tiếp cận phát triển kinh tế biển cần đặt trong hướng liên kết vùng, hình thành một hệ sinh thái biển cộng sinh, nương nhờ vào nhau để hoạt động tương trợ với nhau.
Theo ông Võ Văn Hoan, hiện nay với tầm nhìn phát triển kinh tế biển nhìn từ tiềm năng toàn vùng, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chuỗi kết nối đô thị biển tầm vóc quốc tế trong bối cảnh mới và phát triển chuỗi không gian biển bằng những mô hình phát triển hiện đại, công nghệ xanh và chuyển đổi số mạnh mẽ. Dù phát triển theo hướng nào thì TP Hồ Chí Minh vẫn giữ vững vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết vùng với các tỉnh lân cận phía Đông và phía Tây và vẫn là đầu mối giao thương quốc tế của Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh vẫn là cực trung tâm trong bối cảnh không gian vùng đang phát triển thành đa cực, đa trung tâm với sự xuất hiện các "cửa ngõ" hàng không và cảng biển quốc tế mới như: Long Thành, Cái Mép - Thị Vải, Bến Tre, Trần Đề...
“Không chỉ hướng đến kết nối đường biển với các tỉnh lân cận, TP Hồ Chí Minh còn kết nối đường bộ với các tỉnh lân cận bằng hệ thống đường cao tốc ngày một hoàn thiện. Cụ thể, phía Đông có cao tốc TP Hồ Chí Minh gồm Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ở phía Tây có cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, hệ thống đường cao tốc ven biển và sự tăng tốc phát triển của tỉnh Long An, huyện Gò Công Đông, tạo nền tảng cho việc hình thành và liên kết các trung tâm chức năng, mang lại sự cần bằng cần thiết và phát huy thế mạnh của toàn vùng kinh tế phía Nam”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết thêm.